Chương 14
Truyền thuyết Bắc Sơn
Thôn Đông Đằng ở Bắc Sơn có dãy núi đá vôi bao quanh bản làng Quỳnh Sơn. Núi đá sở hữu cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh quý hiếm nức tiếng gần xa. Lời đồn rừng cổ thụ cao hàng chục trượng, thân cây bám chặt vách đá lởm chởm lan truyền khắp nơi.
Đề phòng kẻ phá hoại, hoàng đế ban lệnh duy nhất hoàng tộc có quyền khai phá khu rừng, ai xâm phạm chịu tội lưu đày. Nhà vua cấp tốc điều quan quân bảo vệ tài nguyên vô giá. Nhất cử lưỡng tiện, đức vua lệnh giúp dân dựng lại nhà trình tường.
Mọi chuyện tiến triển nhanh hơn dự kiến, vì bốn trăm hộ gia đình với một ngàn tám trăm người, toàn bộ là người Tày và mang họ Dương.
Chung tộc người lại cùng họ, dân Quỳnh Sơn đồng lòng nhất trí, cả làng sống ở nhà sàn và nhà trình tường, làm nhà cùng hướng, xây dựng đồng nhất với không gian thoáng đãng trong thung lũng rộng lớn.
Thuận theo quan niệm người Tày - Nùng, mọi nhà trình tường hướng về phương Nam đón linh khí đất trời, hy vọng hòa hợp thiên nhiên hoang dã[1].
Quá trình lập xóm làng Quỳnh Sơn, người bản xứ tận dụng mọi thứ thiên nhiên ban tặng vùng đất này, từ đất đỏ phù sa bên sông đến đất sét vùi sâu dưới vách núi đều thành vật hữu dụng.
Quân dân tất bật hoà quyện hai loại đất với nước trong vắt, người cùng gia súc nhào nhuyễn vào khuôn. Tiếng chày thậm thình nện đất vang khắp thôn làng thu hút mọi người.
Dù dân xa quê hay du khách, ai về Quỳnh Sơn dịp này cũng muốn nén đất vào khung gỗ để xây dãy nhà san sát nằm tựa đồi núi trập trùng phía sau[2].
Phương pháp xây dựng nhà đất lợp ngói Âm Dương rất độc đáo. Tường được làm bằng hỗn hợp đá ong và đất sét nhưng rất chắc chắn.
Tưới nước cho vừa, dùng sức trâu và người nhào cho đến khi nhuyễn, đổ vào khuôn rộng từ mười đến hai thước rồi dùng chày gỗ nện thật chặt để kéo dài và nâng lên độ cao quy định.
Các bức tường bằng đất sét ép chặt vào các khung sườn gỗ, dày trung bình từ mười lăm đến bảy mươi lăm thước, mái lợp bằng cỏ hoặc ngói dày. Chống chịu thời tiết tốt hơn nhà cửa miền xuôi.
Mùa đông rét buốt, vách đất dày ngăn sương mùa, cản khí lạnh cắt da cắt thịt ở miền núi ngập tràn không gian. Hè đổ lửa nóng, nhà tỏa khí mát lành như gió trời dịu êm.
Lâu năm "sống" trong dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, chịu gió táp mưa sa, đâu đó hằn dấu vết khắc khổ của thời gian, bản làng vẹn nguyên cảnh sắc ban đầu.
Nhà cửa vẫn giữ mỗi căn ba gian hai chái[3], bên này làm kho, bên kia làm bếp, gian giữa đặt bàn thờ, đằng sau nơi thờ cúng là buồng dành cho người già. Sân hiên dựng sàn hong thóc, lúa, ngô, phơi quần áo.
Nhà lợp mái ngói Âm Dương màu đỏ cùng vách tường trắng lấm lem bùn đất. Sát các vách tường mọc lên bụi cây rậm rì xoè cành tán lá phủ xanh đường ngang ngõ dọc.
Dãi nắng dầm mưa bao năm tháng, bụi cây mọc dại ấy đâm chồi nảy lộc thành vườn hoa ngũ sắc ngát hương.
Những cánh hoa mỏng manh rung rinh theo làn gió như những ca nương yểu điệu, dịu dàng múa hát trên sân khấu. Không chịu thua chị kém em, hoa dại trong các con ngõ đua nhau khoe sắc, bừng sáng cùng ánh nắng dịu êm, ganh đua chiếm hữu lãnh thổ với dây leo mọc lan mặt đất, vây bám vách tường.
Những tia nắng dịu dàng vừa ghé thăm những con hẻm nhỏ ấy, những bông hoa rực rỡ tỏa sáng dưới ánh sáng thiên nhiên, nối tiếp nhau khoe sắc, chiếm trọn con mắt mê mẩn của lữ khách mê đắm.
Nét vẽ động trên bức tranh tĩnh là hai hàng cây đung đưa trong gió trước sân, xòe cành rủ lá làm bạn với trẻ nhỏ, phủ bóng râm mát cho chúng chạy nhảy nô đùa.
Nét chấm phá đó tô điểm cho cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa. Thu buồn se sắt lòng người, không khí trầm lắng khiến hoa cỏ ủ rũ một màu tàn úa.
Lá xơ xác rụng rơi khắp thôn bản, vương vấn bờ vai du khách lang thang trên các con đường mịt mờ sương mù ảm đạm.
Trăm phương ngàn hướng tràn ngập sắc đỏ lá cây úa vàng quẩn chân người, như muốn níu giữ những người bạn thân quen và xa lạ... thẩn thơ cất bước như thi nhân mất cảm hứng thi ca.
Nỗi buồn dai dẳng kéo sang mùa đông, cây lạnh trơ cành khẳng khiu như người bệnh lâu ngày không khỏi. Xuân đến xua tan sương giá buốt tâm hồn, thổi luồng sinh khí mới cho cỏ cây hoa lá lột xác thành tiên nữ miền sơn cước đẹp rạng ngời mà không chói lóa.
Hè về vạn vật luyến tiếc nàng tiên mùa xuân vội vã ra đi, không khí trong lành càng không nỡ chia xa người bạn tâm giao. Kẻ si tình tạm biệt tri kỷ để sánh bước cùng thiên thần trên nấc thang lên thiên đường.
Bất luận là thời gian nào trong năm, mỗi khoảnh khắc trầm lặng hay hân hoan đều lưu dấu ấn khó phai xao xuyến lòng người, níu kéo bước chân lữ khách sắp rời xa.
Người người quyến luyến ngắm cánh hoa trắng tinh khôi rơi xuống bờ vai những thiếu nữ se sợi dưới gốc bạch lan trước hiên nhà. Du khách ngắm say đắm, các nàng mỉm cười e lệ làm tan chảy trái tim bao người.
Sau khoảnh khắc lạc mất tâm hồn, muốn mang cả giai nhân cùng mọi thứ nơi hoang sơ này về miền xuôi, đám khách phong trần khẽ nhắm mắt tận hưởng hương hoa bạch lan hòa quyện hương lúa dịu êm lan tỏa từ cánh đồng Bắc Sơn xanh ngát phía xa. Khách đắm chìm vào hương sắc thiên nhiên và thả hồn theo thanh âm êm dịu nơi miền quê yên bình.
Âm vang trong tiếng gió rì rào trên đồng lúa thẳng cánh cò bay, kẻ yêu thích không khí thôn quê lắng nghe tiếng suối róc rách chảy về từ phương xa. Dòng suối mát lành hóa thành mạch nước ngầm. Nước len lỏi trong dãy núi uốn lượn điệp trùng vòng cung núi đá Bắc Sơn.
Từ đó suối phân thành nhiều nhánh tản ra như khách bộ hành thăm thú thôn bản. Ham vui nhưng suối nhiệt tình giúp dân Quỳnh Sơn chăm sóc đồng lúa xanh tươi mơn mởn.
Thời gian tham quan Lạng Châu, du khách biết dòng suối này bắt nguồn từ thác Đăng Mò[4] hùng vĩ. Thác mát lành này bắt nguồn từ các xã thuộc Bình Gia, hình thành từ tổ hợp các mạch nước ngầm trong dãy núi đá vôi trùng điệp của vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn. Người Tày gọi là Mũi Bò, hình dáng giống mũi con bò nằm giữa núi rừng xanh tươi.
Thác dốc thoai thoải đổ từ trên cao xuống thành nhiều nhánh nước khác nhau tạo nên tầng tầng lớp lớp. Dòng nước hiền hòa róc rách, len lỏi qua một số khe đá, bụi rậm, những tảng đá phủ đầy rêu xanh với mọi hình dạng, đủ kích cỡ xếp chồng lên nhau dọc theo thác. Nước còn lan rộng, biến thành một mặt hồ trong xanh tĩnh lặng.
Độ sâu trung bình khiến nơi đây trở thành bãi tắm lý tưởng cho những du khách muốn hòa mình với thiên nhiên. Đám khách náo động đùa cợt, té nước vào nhau, quẫy đạp dòng nước tung tóe vào những cọn nước, guồng xe quay liên hồi lập tức hất ngược bọt trắng xóa tung bay giữa đại ngàn rừng núi.
Du khách phấn khích dang tay hò hú, ngước nhìn hàng trăm hàng ngàn giọt nước lấp lánh nắng vàng, bay lơ lửng chiếu sáng nhân gian.
Hết hứng ngâm mình trong nước, du khách lên bờ, thay quần áo mới phía sau hàng cây xanh ở hai bên thác. Cây đại thụ là người lính gác uy nghiêm bảo vệ thác nước như chủ nhân, đồng thời kiêu hãnh dang rộng tán cành che phủ một góc trời.
Các rễ cây mọc đan xen nhau, hòa quyện vào lòng thác tựa thiên binh thần tướng bày binh bố trận ngăn chặn lũ phàm nhân vô tri xâm phạm. Nhưng chiêm ngưỡng từ xa, ngọn thác như buông rủ thành dải lụa vắt ngang rừng xanh núi thẳm.
Bên sườn núi xây dựng đường nhỏ cho du khách tản bộ dọc thác chiêm ngưỡng cảnh đẹp, xung quanh là các lán nhỏ để nghỉ ngơi. Họ vừa đi vừa kể cho nhau nghe truyền thuyết.
Thác ngự trị rừng núi hoang sơ thuộc Bình Gia. Bình Gia giáp Bắc Sơn về phía Tây. Dân gian truyền kể, ngày xưa hạn hán lâu năm, đất đai cằn cỗi không thể trồng trọt cày cấy, cây cối chết khô, dân bản lũ lượt biệt xứ, chỉ còn lác đác các con vật gắng gượng bám trụ.
Kiên trì chẳng được đền đáp xứng đáng, cóc rủ cua, cọp, gấu, ong và cáo kéo nhau lên thiên đình kiện trời.
Một hồi náo loạn thiên đình, cãi lý với trời, nói phải củ cải cũng nghe, huống hồ ông trời có đức hiếu sinh, Ngọc Hoàng lệnh thần mưa cùng thần gió hô phong hoán vũ trút mưa xuống nhân gian.
Đề phòng thần lơ đãng, Ngọc Hoàng sai tạo ở thượng nguồn hai dòng suối mát lành chảy cùng một hướng rồi nhập thành thác Đăng Mò. Thần sợ bị khiển trách đành chịu tổn thất một phần tiên khí để thác có nước quanh năm.
Bình thường dòng thác êm đềm như tiếng đàn tính du dương. Mỗi lần sắp mưa to gió lớn, báo hiệu lũ lụt tràn về, thác xung động dữ dội.
Nguyên nhân là lúc chuẩn bị kéo mây gọi mưa, hai thần thỉnh thoảng phát hiện đám người trần vô tư lõa thể ngâm mình dưới thác, kì cọ gột rửa nhơ bẩn chưa thỏa mãn còn ngang nhiên đùa nghịch té nước nhau.
Điên tiết lũ phàm tục dám coi thác là bãi tắm tiên, thần gió phẫn nộ mở túi càn khôn, thần mưa gào thét đổ hết bình Âm Dương gây bão tố lụt lội cho bõ tức. Truyền thuyết khởi đầu bằng chuyện buồn, kết thúc lại cười ra nước mắt tạo ấn tượng sâu đậm.
Đương ở Bắc Sơn khá xa ngọn thác, những kẻ mộng mơ để trí tượng tượng bay xa, người nào người nấy cảm giác quanh quẩn đâu đây vẫn còn mùi rêu xanh ẩm ướt bên bờ thác.
Rêu còn leo lên hàng cây cổ thụ mọc dọc triền thác, nó ngấu nghiến cả cội rễ mọc lan mặt đất, kẻ xâm chiếm chỉ chịu từ bỏ khi cổ thụ vươn cành lan nhánh quanh lòng thác.
Khách bừng tỉnh mộng mơ trong tiếng đàn tính dịu êm, họ hướng về nơi phát ra âm thanh dịu dàng. Bên gốc cây đa cổ thụ xanh tốt giữa làng, trai bản khom lưng nhảy lò cò trong điệu múa khèn bắt nhịp cho thiếu nữ, các nàng nở nụ cười mật ngọt hát vang giai điệu then đằm thắm trữ tình.
Đoàn khách cười vui hoà vào cuộc sống bình dị miền sơn cước. Từng người chọn thú vui riêng, kẻ tươi cười nhảy múa cùng nhóm hát dân ca, kẻ rảo bước du ngoạn khắp nơi khắp chốn. Mỗi giờ mỗi khắc bình dị thành ký ức đáng quý, trải nghiệm một lần, nhớ hết một đời.
Ngại người lạ, trẻ em vùng cao nép sau lưng cha mẹ, lấp ló cặp mắt tròn xoe e sợ. Khách dang tay muốn bế, lẫn trong đám đông có thằng nhóc mặc áo thêu hình trống đồng, đầu quấn khăn chim Lạc. Nó nhe răng cười toe vẫy tay gọi, chúng đánh bạo chạy đến nô đùa.
Khách cười sảng khoái bồng đám trẻ, xin phép cha mẹ chúng để dẫn đi chơi. Quân triều đình tuần tra khắp Lạng Châu nên cha mẹ đồng ý. Khách đặt mấy đứa bé ngồi vắt vẻo lên vai thăm thú bản làng.
Thằng nhóc tinh nghịch kia bắt chước nhảy tót lên lưng ông thầy. Một già một trẻ lách qua dòng người tham quan thôn bản. Suốt dọc đường đi, nó đùa giỡn với lũ trẻ và cùng chúng cười vang xóm thôn.
Trêu nhau chán, nó tụt xuống đất, lon ton chạy đến hóng già làng kể chuyện người với chuyện đời bằng thi ca hào sảng. Nó ghi tỉ mỉ vào điển tích trong sách rồi khoanh tay xá chào, theo thầy đến làng hình thành từ lâu.
Nó hếch mắt thích chí nhìn bô lão tất tả tu sửa những ngôi nhà cổ. Thằng bé cười khanh khách tới giúp họ bê đồ:
- Ông ơi, cho cháu làm với!
Chủ nhà phá lên cười, xoa đầu bảo ra chơi với trẻ chăn trâu. Nó tiếc rẻ lui ra sau, lật sách đến phần thổ mộc ghi chi tiết cách sửa nhà:
"Chủ nhà phân công mỗi người một việc. Thợ mộc căn chỉnh cửa chính đối xứng cửa phụ cho thợ nề dựng cột xây vách tường dày ngăn sương mù tràn khí lạnh cắt da cắt thịt. Hiếm nơi nào nhiều nhà bùn lợp ngói Âm Dương như những ngôi nhà có tường bao quanh ở Lạng Châu.
Khác nhà thông thường chỉ có bốn cửa sổ thông gió mùa hè, nhà cổ mở mười cửa sổ đồng thời bắc cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên.
Giống mọi nhà trình tường ở Quỳnh Sơn, các nhà cổ xây một hoặc hai tầng nằm sát nền đất, lợp ngói Âm Dương cùng tường dày nhằm giữ ấm vào mùa đông, dịu mát khi hè về.
Bên trong dựng bốn cây gỗ to ở bốn góc chịu lực cho toàn bộ gian nhà kết hợp chốt cài then cửa. Gia chủ cẩn trọng trổ các lỗ châu mai trên tầng áp mái để chống thú dữ, phòng kẻ gian trộm cướp.
Mỗi nhà đều dựng ba gian hai chái, một bên làm kho, bên kia làm bếp với ánh lửa cháy suốt ngày đêm. Tu sửa hoàn tất, người treo bùa, kẻ gắn gương Bát Quái trước cửa chính nhằm trừ tà theo phong tục truyền thống."[5]
Nó đương mải ghi bỗng hếch mũi ngửi mùi thịt xông khói bay từ nhà bếp. Hơi lửa tí tách hun nóng thớ thịt trâu ám khói treo trên gác bếp. Bâu xâu quanh bếp là đàn con háo hức chờ mẹ xé thịt vào bát. Chúng nhai nhồm nhoàm rồi nối đuôi nhau chơi rồng rắn lên mây.
Đám trẻ đặt tay lên vai nhau, lượn qua các sàn thóc lúa ngô khoai phơi quanh sân. Lắm đứa tinh nghịch rút quần áo trên giàn sào trùm đầu đánh trận giả.
Ông bố thấy nghịch phá, cầm roi đuổi đánh khắp nhà. Bên này chạy, bên kia đuổi đến khi có người tới nhờ vả, ông ta vứt roi xuống đất đi tiếp khách. Kẻ kia cười cầu tài vái chào:
- Thưa trưởng thôn, chúng con xây nhà pháo đài trên núi, có vài việc không hiểu, xin ông dạy cho ạ!
Nó nghe nhà pháo đài liền phấn khích hỏi thầy:
- Nhà pháo đài là gì thế thầy?
Nó ngoáy bút ghi lời thầy nói vào sách:
- Đó cũng là nhà trình tường, nhưng khác biệt là nhà trình tường bình thường dựng ở vùng đất bằng phẳng rộng lớn hoặc nằm dưới chân thung lũng, nhà nào nhà nấy san sát liền kề quây quần bên nhau như gia đình đoàn tụ, thể hiện tình đoàn kết dân bản bền vững, nhà pháo đài xây trên lưng chừng núi chống giặc cướp và dã thú, phòng thủ tốt nên dân bản xứ gọi nhà pháo đài[6].
Nó ghi xong vội chạy theo trưởng thôn lên núi phía xa. Nơi đó trai tráng khuân đá tảng lên lưng chừng núi, chồng xếp thành giàn quanh cửa chính.
Trưởng thôn cẩn trọng đến đó. Nó bụm miệng cười nom ông ta lò dò chui qua giàn đá chống trộm trước cửa như sợ đổ ập xuống đầu.
Người thầy nghiêm mặt nhắc nhở học trò, nó vội chỉnh tư thế nghiêm trang. Thằng bé vểnh tai nghe trưởng thôn hướng dẫn xây lối đi lắt léo ở hành lang quanh hiên.
Gia chủ gật gù tâm đắc xem trưởng thôn dựng vì kèo lợp mái, chia nội thất bên trong thành nhiều gian, ngăn này thông ngăn kia bằng cửa gỗ.
Trưởng thôn chưa yên tâm với cái mê cung dễ vào khó ra ấy, ông ta đục vách tường thành các lỗ châu mai bên cửa sổ. Nó gãi đầu phân vân, nhướng mắt coi gia chủ ngắm bắn qua lỗ, nó hiểu làm thế nhằm tiện chiến đấu, lỡ trộm cướp chiếm hành lang, chủ nhà sẽ rút vào kháng cự trong các phòng.
Mọi sự hoàn thành tốt đẹp, gia chủ chia một phần lễ cúng nhập trạch cho trưởng thôn. Ông ta kiếm cớ về dạy đàn con nghịch ngợm nhằm từ chối khéo năm lần bảy lượt, chủ nhà mới chịu thôi. Nó không hiểu lý do trưởng thôn một mực khước từ nhã ý, rỉ tai hỏi thầy. Người thầy hạ giọng nói nhỏ:
- Nếu nhận lễ, sau này có chuyện không hay liên quan chủ nhà, trưởng thôn sẽ khó xử.
Nó gật gù à lên một tiếng, nhảy chân sáo đến một đỉnh núi cao, bao quát toàn cảnh để ghi vào sách. Ngự trị không gian bao la là đồi núi uốn lượn nhấp nhô, vây quanh nhiều hướng.
Phía Nam là sông suối đan xen rừng núi bạt ngàn, ngày đêm róc rách chảy khắp Bắc Sơn, len lỏi, lượn quanh rừng già phía Đông tăm tối, âm u quanh năm sương khói bao phủ mờ trắng một góc trời, thú rừng ngày đêm rục rịch săn mồi.
Khu rừng gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, nhưng áp lực tranh đấu sinh tồn khốc liệt vẫn phả tận bìa rừng, lan ra khắp nơi cảnh báo con người chớ bén mảng, quấy nhiễu kẻo rước họa vào thân.
Bắt đầu từ lúc quan quân đến khai phá, đồng hành cùng dân chinh phục nơi bất khả xâm phạm, bầy thú rừng khiếp sợ binh tướng triều đình, dã thú chỉ dám nhe nanh với đồng loại mà mất gan múa vuốt trước đàn quái vật đội lốt người.
Dã tính bị chế ngự, sát khí tiêu tan vào không khí trong lành cho nhân loại sống hòa thuận cùng thiên nhiên. Chốn rừng thiêng nước độc hiền hòa theo năm tháng nhờ hấp thụ hơi ấm con người, chết chóc hóa thành sinh khí lan tỏa Bắc Sơn.
Vùng đất cằn cỗi như nắng hạn gặp mưa rào, hoa thơm trái ngọt đua nhau nở rộ khắp nơi khắp chốn, vạn vật tận hưởng sức sống an lành.
Trỗi dậy mãnh liệt nhất là cánh đồng vàng ươm thơm mùi lúa chín phía Tây. Xưa khô cằn, nay nhờ quân dân khơi thông cho dòng sông xanh biếc len lỏi, chen vào giữa, uốn khúc, cắt ngang cánh đồng lúa nên xanh mượt, mơn mởn như thiếu nữ tràn đầy sức xuân.
Xa xa vang động tiếng hát lời ca mang âm hưởng dân dã như vọng về từ núi rừng hoang sơ. Đàn gia súc phấn khích chạy nhảy đuổi bắt dưới âm thanh lên bổng xuống trầm quen thuộc.
Ngay cả những con vật lười nhác nhất, cả buổi chỉ biết thơ thẩn gặm cỏ cũng nghếch đầu vểnh tai lắng nghe âm thanh vui nhộn hòa tấu tiếng sáo mục đồng… thành… bản nhạc đồng quê thanh bình nơi đất lành chim đậu.
Đứa trẻ hiếu động thích chí cười giòn tan, tung tăng chạy về quần thể nhà trình tường màu nâu đen tọa lạc tại đồi núi đối diện đằng xa.
Nơi đó, các tộc người Tày, Nùng, Mông và Dao cười đùa vui vẻ, thong thả vác cuốc, cầm cày ra đồng ruộng mênh mông, người cuốc đất gieo hạt, kẻ kéo cày, cấy mạ.
Một hồi canh tác, người cùng trâu lấm lem bùn đất từ đầu xuống chân. Nông dân rút khăn thấm ướt gương mặt đẫm mồ hôi, vài người rảo bước thật nhanh đến chỗ ngập nước dưới chân dãy núi, gột sạch bùn đất bám dính cơ thể.
Ai nấy phì cười trông thằng nhỏ lăng xăng chạy đến giúp người này rửa chân, phụ người khác bôi vôi hơ lửa vào đám đỉa hút máu trên da thịt. Nó hi hi đáp lại lời cảm ơn.
Thằng nhóc ham vui men theo những dòng suối chảy dọc khe đá và các dãy núi để khám phá các hang động kỳ bí mà ngay cả người bản địa chưa từng tiếp cận.
Một hồi ghi ghi chép chép quang cảnh trong động, nó cùng thầy ra ngoài, dang tay hít tràn lồng ngực mùi thơm lúa chín.
Thầy trò cất bước về phía đám động vật đang hưởng thụ an nhàn, tranh thủ thảnh thơi nghỉ ngơi sau khi lao động cật lực. Trâu bò đến bờ suối chảy ngang qua đồng cỏ xanh mướt.
Chúng khoan khoái nằm ườn ra tấm thảm mềm mại đón gió thổi vi vu, lơ đãng xem đàn dê núi be be gọi bầy, lũ lượt nhảy từng bước điêu luyện qua những vách núi đá dựng đứng. Đàn gia súc vừa ngắm màn trổ tài mãn nhãn, vừa nhẩn nha gặm cỏ, chờ mục đồng dắt về chuồng.
Lũ trẻ vẫn mải mê nô đùa, đứa nọ chạy theo đứa kia nhảy ùm xuống suối bắt cá nướng ăn. Thằng nhóc khoái chí đến làm quen. Bọn trẻ trêu chọc và cho xiên cá. Nhấm nháp xong, chúng bỏ cá vào giỏ, dắt trâu và bò rời khỏi khu vực đồng ruộng rồi đi về phía Bắc.
Dọc đường đi, chúng tặng cá cho nghệ nhân đang khắc hoa văn Xứ Lạng lên các công tượng. Họ tươi cười cảm tạ, đôi tay miệt mài tạo hình hoạ tiết sông núi hoà quyện mây trời lên khắp thôn bản. Bọn trẻ khoanh tay cúi chào người lớn, cười toe tạm biệt thằng nhóc háu ăn.
Mục đồng lùa trâu bò tới chuồng trại. Xưa chỉ mươi bước đến nơi. Nay vượt qua ngọn đồi nhỏ khá xa làng mới tới khu nuôi nhốt gia súc.
Ban đầu mỏi chân làu bàu trách Yên Vân xúi dại dân chuyển động vật khỏi bản, cách xa cả nơi cắt cỏ chăn trâu.
Sau này chúng mới hiểu làm thế để đề phòng trâu bò nổi điên phá làng phá xóm, phá luôn cả đồng ruộng, đồng thời rèn luyện sức khỏe cho mục đồng. Quả thật, từ ngày nghe lời ông ta, ngày nào cũng vận động, đi đi lại lại một quãng đường xa, chúng thấy mình khỏe như vâm.
Ông Vân còn bày trò quét dọn đường làng ngõ xóm sạch đẹp nhằm xây tụ điểm ẩm thực. Cha mẹ bận trăm công ngàn việc, chúng phải đày nắng cả ngày giúp đỡ gia đình khiến nhiều lần buột miệng chửi Yên Vân.
Nhưng khi khách đến nườm nượp. Gia đình trả hết nợ nần, xây cất nhà cửa to lớn hơn xưa. Cha mẹ sắm quần áo đẹp cho bằng bạn bằng bè. Thế là cái vẻ cau có với Yên Vân biến thành bài hát đồng dao ca ngợi hết lời.
Từ đó trở đi, lũ trẻ tập bỏ thói ham chơi, gắng sức giúp mọi người. Đứa trẻ lớn nhất bắt nhịp cho cả bọn hát:
Ngày xửa ngày xưa
Đường bùn lầy lội
Trơn trượt ngã nhào
Rêu xanh ẩm ướt
Mọc quàng mọc xiên
Nhà nào nhà nấy
Ẩm mốc hôi rình
Ngày nảy ngày nay
Có ông Yên Vân
Từ chốn kinh kỳ
Đến vùng Xứ Lạng
Giúp người dân bản
Dựng xây xóm làng
Đường ngang ngõ tắt
Bằng phẳng vững vàng
Nhà cửa khang trang
Xóm làng sạch sẽ!
Ca ngợi Yên Vân xong, lũ trẻ tiu nghỉu vì bài đồng dao đã hết. Đứa trẻ lớn nhất chán chường đá sỏi dưới chân chợt nhớ mấy ngày trước có ông già cho ăn kẹo. Ông già dạy bài đồng dao rất hay. Nó bèn tập cho bọn trẻ hát:
Ngày xửa ngày xưa
Đất đai khô cằn
Mắt vàng sỏi đá
Rừng thiêng nước độc
Thú dữ quấn thân
Địa hình hiểm trở
Núi cao vạn trượng
Vực sâu thăm thẳm
Mười đi, một về
Ngày nảy ngày nay
Ở Thăng Long thành
Nguyên Phong Hoàng Đế
Thương dân như con
Minh quân nhân từ
Ban hành mệnh lệnh
Nhân tài vật lực
Trùng tu di tích
Phá đá xuyên khe
Khơi sông đắp suối
Dựng xây biệt viện
Nơi chốn đại ngàn
Muôn trùng gian khổ
Quân dân đồng lòng
Biến Lạng Châu thành
Tiên nữ sơn cước
Du khách khắp nơi
Lũ lượt kéo đến
Thu hút đàn ong
Tìm về hút mật.
Lũ trẻ học mãi mới nhận biết thứ chữ toàn vạch ngang xổ dọc, gạch chéo bị chúng coi là lung tung. Tập hát đồng dao một lần liền nhớ từng câu.
Theo chân đám trẻ hiếu động, các bài đồng dao tung hô đối tượng cần ca ngợi vang vọng thôn bản. Những câu hát trẻ con ca ngợi người lớn ấy truyền từ đứa trẻ vùng này sang đứa trẻ vùng khác, lan khắp hang cùng ngõ hẻm đúng ý tác giả.
Về phần Yên Vân, hai năm qua, ông chủ Kim Tinh Các chủ động làm quen đám trẻ, kiên trì nghe chửi mới dụ nổi chúng bơi thuyền câu cá cùng mình.
Ông ta còn rủ tụi nhỏ lội bùn cày ruộng rồi lật đật về quán trọ xay lúa giã gạo. Thương nhân lừng danh kinh thành hóa thân lão nông tri điền kích thích tò mò. Hiếu kỳ thôi thúc khách trải nghiệm thôn quê.
Yên Vân mừng thầm xem cá cắn câu, chờ khách háo hức cực độ, con cáo già khai màn bằng trường dạy quay tơ dệt vải thổ cẩm. Ông ta sai nữ gia nhân Kim Tinh Các rủ con gái quý tộc ở Thăng Long đến Lạng Châu.
Thời gian học nghề dệt từ người Lạng Châu, các nàng truyền tài nghệ thêu thùa may vá nơi kinh đô cho phụ nữ Xứ Lạng.
Đàn bà con gái mỗi ngày dệt hàng trăm tấm lụa thêu hình bóng kiêu sa khoe sắc nơi núi rừng hoang dã. Đàn ông nổi máu tự ái với thành quả quá lớn.
Đám trai làng tức khí đục gỗ đóng thuyền cho vương tôn công tử đánh cá dưới sông. Quyết không chịu thua phận liễu yếu đào tơ, cánh mày râu chuyển cối đá vào quán trọ mời khách xay lúa giã gạo.
Mọi chuyện đi đúng hướng đương nhiên Yên Vân mãn ý, hoan hỷ mở tiệc tri ân những người xưa và nay có công gây dựng Lạng Châu. Đồng thời để tưởng thưởng chính mình, bởi kế hoạch mượn nỗ lực đàn bà khích tướng đàn ông lười nhác… thành công mỹ mãn.
Chiêu trò này không qua mắt được trợ thủ đắc lực. Bà ta là quân sư giao thương cho Yên Vân. Trong thương hội Lưu Tinh, bà ta chỉ xếp sau Yên Vân.
Hồ ly theo cáo già lăn lộn thương trường từ hồi thiếu nữ nên hiểu tâm ý ông chủ. Vị trợ thủ nhìn thấu hàm ý Yên Vân giúp gieo hạt, dân làng phải tự làm hạt giống sinh sôi nảy nở thì cơ nghiệp sẽ bền vững.
Nông dân chân lấm tay bùn không phụ lòng ân nhân. Sinh hoạt với Yên Vân một thời gian, người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhiễm luôn máu con buôn, họ mang hẳn nông cụ ra những túp lều ngoài đồng.
Vừa đi vừa đánh trống khua chiêng hô hào cày ruộng hòng dụ mồi. Kẻ đến lần đầu tưởng làm thế tiện cày cấy. Hôm sau thích thú nhận ra người quen đương hăng say xới đất gieo trồng.
Thường ngày cậu ấm cô chiêu quen sống nhung lụa, một bước lên xe, hai bước xuống ngựa. Nay cởi áo gấm váy hoa, đội nón rơm, mặc trang phục nhà nông sờn rách cày ruộng cùng trâu.
Con gái quan lớn xắn quần quá đầu gối khám phá bãi lầy sú vẹt, sục sạo mọi kênh rạch mò cua bắt ốc rồi kinh hãi chạy lên bờ. Đám lính hộ vệ luống cuống muốn giúp nhưng không ai dám đụng thân thể ngàn vàng. Các nàng cấm động vào người mà chạy đến nhà dân, nhờ vợ gia chủ bắt lũ vắt bám chặt cơ thể.
Mặt trời khuất bóng, đoàn khách lục tục theo ánh đuốc trên tay dân bản về quán trọ. Mùi cá suối nướng bay ra, già trẻ trai gái nôn nao bước nhanh vô đại sảnh.
Chú thích
[1]Link nói về quan niệm xây nhà hướng Nam của người Tày Nùng
https://www.facebook.com/Loanthehungca/photos/a.899720520184224.1073741831.661720967317515/911675128988763/?type=3&theater
[2]Thông tin thêm về nhà trình tường:
http://nld.com.vn/dia-phuong/doc-dao-nha-trinh-tuong-cua-dong-bao-vung-cao-20130624104722920.htm
http://dulichlaocai.vn/1583/TinChiTiet/Nha-trinh-tuong--kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-Mong-Bac-Ha.pvd
https://www.facebook.com/photo/?fbid=667502705420748&set=a.899720520184224
[3]Hai chái là hai gian nhà hai bên:
https://dialytoanthu.com/kien-truc-nha-dan-gian-viet-nam/
[4]Thác Đăng Mò ở vị trí cây số 11 trên đường quốc lộ 279 từ huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn đi huyện Na Rì tỉnh Bắc Cạn, nơi tiếp giáp ba xã vùng cao của huyện Bình Gia: Mông Ân, Thiện thuật, Hoàng Văn Thụ.
[5] [6] Xem link chú thích 1