Chương 20
Phật Chỉ
Núi Phật Chỉ còn gọi núi Phặt Chỉ theo tiếng địa phương[1]. Một trong những vùng đất thiêng thuộc về người Dao Mẫu Sơn. Nơi đây lưu trữ nhiều chuyện xưa tích cũ thực thực hư hư, từ huyền thoại trong thực có hư đến lời đồn đại trong hư có thực.
Truyền thuyết kể rằng, thời viễn cổ, khu vực này nối liền một dải, muôn loài chung sống hòa bình, mọi chuyện hỗn loạn từ khi Quỷ Xương Cuồng gieo họa khắp nhân gian. Mộc Tinh thường mò đến nơi rừng rậm hoang sơ để hút linh khí đất trời.
Mỗi lần giao chiến bị tổn thất yêu khí, con quỷ lại tìm về các khu rừng rú hoang vu. Một trong những nơi nó lai vãng thường xuyên nhất chính là dãy rừng núi khổng lồ ở Phật Chỉ.
Yêu quái phun ma khí ngập ngụa không gian, động vật hóa quái thú, hầu hết thực vật nhiễm tà khí biến thành ma cây, yêu tinh.
Chỉ có ngoại lệ duy nhất, hấp thụ tiên khí từ Hoa Dung, đồng cỏ mênh mông kiên quyết bài xích, chống đối, truyền hết tiên khí cho thiên địch của Quỷ Xương Cuồng, trợ thủ đắc lực giúp đánh bại bè lũ ma quỷ, thanh tẩy vùng đất bị vẩn đục.
Cuộc chiến kết thúc, Lạc Long Quân hồi phục không khí trong lành, động thực vật hiền hòa như xưa. Nhưng đồng cỏ vẫn căm phẫn tội ác tàn hại sinh linh vô tội, nhất quyết không chịu sống chung.
Lạc Long Quân không thể khuyên bảo, ngài đành tách biệt dãy núi khổng lồ thành hai phần, cánh rừng nguyên sinh rộng lớn trải dài ngút tầm mắt, quanh năm âu sầu, thu mình trong góc tối mịt mù bên phải.
Bên trái, đồng cỏ mãn nguyện, khoan thai nhuộm màu vàng nhạt lên không gian bát ngát, hân hoan chào đón khách lữ hành tham quan chiến địa quỷ khốc thần sầu, đảo lộn càn khôn năm xưa, nay trong xanh yên bình, cân bằng Âm Dương, an lành trời đất cho mưa thuận gió hòa.
Già làng người Dao ở Mẫu Sơn kể câu chuyện khác. Núi Phật Chỉ là vùng đất thiêng gắn liền truyền thuyết dân gian:
Một vị thần tiên yêu Hoa Điệp, bất mãn Thượng Đế không thương xót con gái, hắn ác hóa trở trành hung thần nổi loạn, gây hạn hán cho nhân gian, kiếm cớ trả thù cho người tình trong mộng để lật đổ đấng tối cao.
Mưu đồ thất bại, hắn bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới, giáng phạt ngày ngày phải đốn gỗ vác lên trời để dựng lại thiên đình.
Qua hàng ngàn năm, gã ác thần phạt trắng khoảng rừng nguyên sinh bao la, để lại bãi cỏ trống mênh mông. Tâm lý con người thường sợ kẻ mạnh hơn mình.
Tuy ác thần chịu trời phạt, nhưng người Dao ở Mẫu Sơn vẫn lo lắng tai họa ma quỷ tái hiện, hằng năm lên núi Phật Chỉ cúng tiến để ác thần không quấy nhiễu cư dân.
Theo già làng, chuyện thờ cúng này còn là tín ngưỡng dân gian người Dao. Dân chúng thờ ác thần, tế lễ cúng tiến cầu nguyện điềm lành, hy vọng cái ác không lộng hành.
Thờ ác thần cũng để người Dao Mẫu Sơn tự răn mình không phạm tội lỗi, tự chế ngự phần ác trong mỗi con người.
Tương tự ở miền xuôi, dân thờ Thủy Tinh, mong xoa dịu cơn thịnh nộ của vị thần trong mùa mưa bão, Tây Bắc thờ ma núi, cầu bình an cho dân vào núi rừng.
Danh lam thắng cảnh này là một trong ba ngọn núi lớn và cao nhất dãy núi đá vôi phía Tây Nam Mẫu Sơn. Toạ lạc trong không gian thoáng đãng với khí hậu mát lành[2].
Dọc hai bên đường trăm hoa đua sắc, địa hình đến Phật Chỉ vô số đường ngang ngõ tắt, lúc đầu khách không muốn ghé thăm. Thích mê truyền thuyết Hoa Tiên Nữ, một số đi ngay.
Đám khác có người thân định cư ở trung tâm Lạng Châu bèn đến đó rủ đi chung. Họ qua đường cái quan (Lạng Châu - Lộc Bình) đến đình trạm rẽ trái, vượt đường sỏi đá tới làng bản Mẫu Sơn. Đi chưa bao xa, ngựa xe bị chướng ngại vật chắn lối, vài người chán nản bỏ về.
Đám khách còn lại cuốc bộ men đường mòn đầy bùn dài trăm trượng đến thôn Khuổi Cấp. Bọn trai làng đứng chặn đòi tiền mãi lộ. Mấy kẻ bực mình cự cãi. Những người khác trả tiền rồi sang trái, trèo núi cao theo hướng Tây Nam vào khu rừng nguyên sinh[3].
Khách gặp miếu Thổ Công gần gốc cây chò chỉ cổ thụ. Hai bên đặt đá tảng tạo hốc nằm giữa rừng nguyên sinh. Khách tò mò hỏi tiều phu bản xứ, anh ta nói Mẫu Sơn là nơi người Dao, Tày, Nùng sinh sống từ lâu. Người Dao dựng miếu ngoài trời theo phong tục của họ.
Miếu thờ tín ngưỡng đa thần từ rất lâu đời. Riêng với người Dao ở Mẫu Sơn, Phật Chỉ là vùng linh thiêng. Trải nhiều đời, dân lên núi thắp hương, cầu mong tốt lành cho gia đình, không ốm đau, buôn may bán đắt. Tương truyền:
"Ai thành tâm cầu khấn, thần linh trên núi phù hộ. Không thành tâm, xúc phạm các thần, người hồn vía yếu, sức khỏe không tốt bị các thần phạt, người khỏe mạnh cũng đổ bệnh."
Đầu tiên dân thôn Khuổi Tẳng và Khuổi Cấp đến làm lễ. Dần dần dân xung quanh tới cúng lễ, coi là thần quan trọng[4].
Khách tứ phương nghe dân bản kể người Dao ở Khuổi Cấp nấu rượu gạo trứ danh dâng thần linh, lũ lượt đến mua rượu, xem quy trình kỳ công trưng cất rượu dành cho các vị thần.
Nơi này bảo tồn sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán từ thời thần linh cùng người phàm khai phá vùng đất hoang sơ.
Mọi người lập tức đốt hương khấu đầu xin thần linh ban phước. Nhiều người rầm rì khấn vái bỗng giật bắn mình phát hiện bóng mờ trong sương xám lởn vởn.
Bóng mang hai đầu nên họ ngỡ thánh thần hiển linh, nhất loạt dập đầu tạ ơn, ngước nhìn mới nhận ra bóng là ông lão tóc bạc bồng thằng nhóc. Ông sợ đám đông đến trước bèn vội tăng tốc.
Thầy trò vượt rừng sâu đoạn dài. Ông lão chạy cực nhanh, nhóc Thiên nhoái lại cố nhớ cảnh thiên nhiên hoang sơ có thác nước chảy róc rách trong cánh rừng. Kề bên dòng thác là cổ thụ hàng nghìn năm tuổi rủ bóng già cỗi xuống dòng nước trắng xóa.
Ngọn thác khi hiền hòa êm dịu, lúc gào thét dữ dội chấn động cổ thụ, thân cây rụng lá rơi lả tả trôi theo dòng thác. Thầy trò đi khá xa, nhóc Thiên còn nghe tiếng thác gầm vang núi rừng. Nó chép miệng tiếc rẻ không kịp trông chi tiết để ghi vào sách.
Rời khu rừng một đoạn, thầy trò đến khu vực núi Phật Chỉ. Vùng đất thênh thang thoải dốc từ Bắc xuống Nam với vô vàn dãy đồi núi[5] cao ngất tầng mây.
Tản mác quanh thảm cỏ xanh rì trải dài bên sườn đồi là cây cối trơ trọi mỗi nơi vài khóm. Những khóm cây trổ hoa khoe sắc hồng quyến rũ ong bướm mon men hút mật.
Mải vui quên ngày tháng, cây song hành cùng cỏ nhưng từ ngày khai hoa nở nhuỵ, cây và hoa chuyển màu đen xám như khinh thường vì cỏ mọc ngập đất. Nay cây còn mỗi lá úa vàng trên cành mục khẳng khiu. Thân cằn cành yếu ngấm sương giá hễ gặp gió, lá héo khô rơi xuống thảm cỏ.
Thời gian bị hắt hủi, chỉ có hoa trắng hơn tuyết lặng lẽ bên cỏ. Tràn đầy sức sống hay lụi tàn, hoa buông cánh mỏng manh xuống làm bạn cùng cỏ, âm thầm dõi theo cỏ nỗ lực vươn thành đồng xanh bát ngát.
Cỏ thờ ơ đi về các khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Phật Chỉ. Cây cối trong rừng rậm rạp ở đây mọc xiên nhau ngăn trở cỏ xây đắp cuộc sống mới.
Khởi đầu, cỏ phải cạnh tranh lãnh thổ với những loài thực vật. Ngày ngày cỏ lầm lũi chen qua từng bụi tre tàng trúc ngổn ngang không hàng không lối. Dần dần cỏ vây bám toàn bộ tre trúc để lên khắp núi rừng hoang dã.
Mọi loài với mọi vật trong rừng bị cỏ tranh giành quyết liệt, riêng khóm cây sở đứng lẻ loi góc khuất tăm tối không bị cỏ xâm phạm.
Gặp sở ở đâu, cỏ nhường lối, chuyển hướng đến rừng chè phía Tây - vùng đất lý tưởng cho thảo dược sinh sôi nảy nở, đường đến gồ ghề khó đi và nhớp nháp bùn đất.
Chẳng quản gian khó, cỏ trải thảm mềm mại để dân làng tới thu hái ươm trồng. Mọi sự thuận lợi, cỏ thả hồn theo hương thảo dược phảng phất chốn rừng sâu núi thẳm.
Có mặt khắp nơi, lạ thay cỏ không ngó ngàng đỉnh núi Phật Chỉ. Hiện tượng kỳ thú chắp cánh cho tâm hồn mơ mộng bay xa. Người đa cảm cho rằng cỏ không nỡ rời xa hoa đỗ quyên[6]. Lúc đầu, cỏ lảng tránh hoa.
Mỗi ngày ban mai hửng nắng, đoá hoa màu tuyết ấy chờ đợi trong rừng sâu hoang vắng. Hằng đêm hoàng hôn buông rủ, hương hoa dịu êm thấm sâu từng nhành cây ngọn cỏ. Trải tháng ngày đằng đẵng, sắc hương dịu dàng xoa dịu tâm hồn, cảm động cả cỏ vô tình.
Kẻ lý trí nhận ra cỏ chẳng quan tâm bởi đỉnh núi có hoa đỗ quyên khoe sắc hồng lung linh. Loài hoa lộng lẫy "xức" hương thơm ngào ngạt. Mùi nồng say mê hoặc bức ép cỏ trốn tránh quá khứ đau khổ.
Cỏ xa lánh, con người ghê sợ. Ngàn năm qua, ai lên cũng xuống núi ngay, đến một lần chẳng muốn tới lần hai.
Đám khách lặn lội đường xa lên núi liền choáng váng mùi lả lơi từ đóa hoa đẹp không tì vết. Mất hứng thú lại ngán ngẩm đền cũ nát nằm trơ trọi giữa muôn trùng mây khói, hầu hết khó chịu ra về, chửi đổng phí công mất sức, lẩm bẩm chửi quàng sang số ít ở lại ngắm cảnh.
Đám ham vui tiến gần mỏm đá chiêm ngưỡng toàn cảnh, ngự trị rừng nhưng chưa thỏa mãn, cỏ vươn mình đến dãy núi lượn sóng điệp trùng bên bìa rừng. Cỏ song hành cùng núi tới tận chân trời nhằm chinh phục vùng đất mới.
Kiễng chân ngóng mãi chẳng biết điểm đến cuối cùng của cỏ và núi, khách ngắm sương khói lững lờ trôi trên đồng cỏ. Phất phơ dưới màn sương mờ tỏ, những ngôi nhà mái đỏ tường rêu tô điểm nền cỏ xanh.
Từ khi cỏ trải thảm mảnh đất này, các tộc người mang phong tục tập quán tới sống quần cư cùng người Dao bản địa. Trăm năm an cư lạc nghiệp, mọi tộc người nỗ lực hòa giải xung đột văn hóa tạo cơ hội lập tín ngưỡng đa thần.
Bắt đầu thời khắc trọng đại ấy, dân đoàn kết thành khối thống nhất xây dựng xóm làng. Đoàn kết là gương sáng cho toàn dân Lạng Châu, động lực phấn đấu biến Mẫu Sơn thành miền đất trù phú.
Tinh thần đoàn kết dân bản hiện hữu mọi nẻo đường. Khách thoáng trông dân bản lục tục đi từ nhà đến thửa ruộng bậc thang xanh mướt, trải dài đến tận chân trời phía sau dãy núi hùng vĩ.
Các vị thần phủ bóng khổng lồ che nắng gay gắt đổ lửa xuống nhân gian - nơi nông dân đang miệt mài cày sâu cuốc bẫm, dẫn thủy nhập điền, giúp nhau phát nương làm rẫy.
Đối với mục đồng hay bất kỳ người chăn thả động vật nào, trước khi đi qua đồng cỏ trên núi Phật Chỉ, ai nấy đều cầm theo một viên đá.
Chú thích:
[1]Núi này ngày nay thuộc một phần của thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ai biết thời Trần gọi tên các địa danh này là gì xin cho thông tin.
Núi Phật Chỉ được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2012 (Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 07/12/2012 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn).
http://langson.tintuc.vn/du-lich/du-lich-lang-son-khong-the-bo-qua-dia-diem-hap-dan-nay.html
[2]Ngày nay nhiệt độ trung bình trong năm ở Phật Chỉ từ 15 - 18 độ C, khí hậu mát mẻ cộng với không gian thoáng đãng tạo khu núi Phật Chỉ thành điểm di tích danh thắng tuyệt vời. Hiện nay khu vực này vẫn hoang sơ, tự nhiên như nó vốn có, chưa chịu tác động nhiều của con người.
[3]Đường đến núi Phật Chỉ ngày nay: Từ thành phố Lạng Sơn theo đường quốc lộ 4B (Lạng Sơn - Lộc Bình) đến Km14, rẽ trái theo đường nhựa lên khu du lịch Mẫu Sơn.
Khi đến Km12 rẽ phải theo đường mòn dân sinh đi thôn Khuổi Cấp khoảng 500m rồi rẽ trái vượt lên núi cao theo hướng Tây Nam.
Đi trong rừng nguyên sinh, rừng trúc, rừng dong… khoảng 1km là tới núi Phật Chỉ. Đường đi từ Km12 tới núi Phật Chỉ khá khó khăn, chỉ có thể đi bộ theo đường mòn.
[4]Sau khi ngọn núi được phát hiện đến khoảng 2002, một đường mòn đi xuyên rừng nguyên sinh mới được mở, giờ nó là đường chính đến núi Phật Chỉ. Tại hai nơi thờ tự ở khu này vẫn đậm nét văn hóa đặc trưng người Dao.
Ở miếu thờ thần trong rừng chỉ có bát hương và trên đỉnh Phật Chỉ, ban thờ tạo thành từ tảng đá to đơn sơ mộc mạc, phía trên có bát hương để dân và khách du lịch thắp hương thờ cúng, làm lễ.
Hiện núi Phật Chỉ ngày càng khẳng định vị trí và ý nghĩa của nó với đời sống con người. Đây là nơi tâm linh với tín ngưỡng "đa thần" của người Dao Mẫu Sơn.
[5]Khu núi này có độ thoải dốc tự nhiên từ phía Bắc xuống phía Nam (khu vực này ít cây rừng mọc, chỉ có thảm đồng cỏ rộng lớn).
Bên cạnh đó là nhiều dãy núi lớn nhỏ xung quanh có độ cao trung bình khoảng ± 1.000m so với mặt nước biển (thấp hơn khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 100m).
[6]Nơi đây có giống cây hoa quý hiếm là đỗ quyên nở hoa trắng vào tháng 2, tháng 3 cùng nhiều giống cây thảo dược quý hiếm khác.
Link nguồn núi Phật Chỉ
https://www.facebook.com/Loanthehungca/photos/a.899720520184224.1073741831.661720967317515/913475335475409/?type=3&theater
http://langson.tintuc.vn/du-lich/du-lich-lang-son-khong-the-bo-qua-dia-diem-hap-dan-nay.html