Chương 19
Bích họa
Chỉ vì ghen tuông mù quáng, Người Cha huỷ hoại hạnh phúc gia đình. Hối hận day dứt kẻ làm chồng, Người Cha cầm gươm tìm tên hầu nhưng hắn đã cao chạy xa bay.
Hạnh phúc tan vỡ, Người Cha đau khổ gọi con cháu về cùng lập đền thờ, đêm ngày quỳ gục bên những dòng suối nhuộm đỏ từng triền núi mỗi mùa xuân về.
Suối chảy qua nơi nào, vùng đất đó thành rừng hoa bích đào hồng thắm giữa sương mù huyền ảo.
Chồng khóc cạn máu mắt cầu xin vợ hồi sinh, gọi trời - trời chẳng thấu, gọi đất - đất không hay. Chỉ còn lại nước mắt hối hận chảy thành sông.
Sông phía Bắc tìm về suối nước hướng Nam là máu Người Mẹ. Sóng dưới đáy sông gầm thét vang trời than khóc sai lầm không thể tha thứ.
Sau khoảnh khắc đau buồn hối hận, sông hòa vào suối để rửa sạch oan khuất cho người vợ chung thủy. Máu thấm đẫm nước mắt hóa thành dòng thác bạc trắng chảy từ đỉnh núi.
Nơi năm xưa Người Cha từ biệt vợ con, thác phân ly thành những con sông ngọn suối quanh Mẫu Sơn rồi đổ vào sông Kỳ Cùng.
Phía Bắc có suối Pắc Đây, Làng Kim, Co Khuông, Khuổi Phiêng, Khuổi Luông. Phía Nam có Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, Nà Mẫu, Lặp PJạ, Bản Khoai.
Sông suối ngày đêm réo rắt thanh âm buồn thảm lay động muôn người. Đau xót số phận đáng thương của Người Mẹ, trả ơn đánh giặc của Người Cha, dân Mẫu Sơn lập đàn tràng cúng tế, bắc cầu Tam Giới cho linh hồn Người Mẹ lên trời gặp Ngọc Hoàng xin giải oan.
Ngọc Hoàng cử bảy nàng tiên giả trang phàm nhân đi xác minh. Một thời gian sau, các tiên nữ về tâu Ngọc Hoàng:
"Người Cha hối hận, họ không thể hạnh phúc vì sinh ly, xin Ngọc Hoàng cho họ ở bên nhau khi tử biệt!"
Ngọc Hoàng lệnh dân làng:
"An táng họ gần nhau!"
Sau này, dưới chân những nấm mồ dần mọc núi Cha, núi Mẹ, núi Con và núi Cháu. Quây quần những ngọn núi cao vời vợi là thiên nhiên kỳ vĩ nhuộm màu xanh rừng cây ban sơ.
Nay rừng núi ở huyện Lộc Bình mang dáng dấp năm xưa. Mỗi người tìm góc riêng. Đàn ông đến ngọn cao nhất - núi Cha, hướng về mọi phía với mong muốn bảo vệ gia đình.
Phụ nữ bồng con đến phía Đông thôn trấn Cao Lộc thuộc huyện Cao Lộc, lên núi Mẹ đứng gần hai núi Con, nhưng thấp hơn núi Cha[1]. Người làm mẹ cảm nhận tình mẫu tử che chở con cháu khi Người Cha vắng nhà.
Đàn ông lầm đường lạc lối, đối xử tệ bạc với vợ con làm gia đình ly tán, kẻ âu sầu đến thôn trấn Chi Ma[2], kẻ rầu rĩ tìm về thôn trấn Lộc Bình tại huyện Lộc Bình, lặng trông núi Cha xích gần hai núi Con, nhưng đứng tách biệt với núi Mẹ, đau khổ Âm Dương cách biệt, hổ thẹn với sai lầm lớn nhất đời mình. Núi Cháu nhỏ bé vây quanh tựa đoàn tụ người thân.
Phía xa, khuất sau làn sương ảm đạm là ngọn núi hình chóp nón độc lập ở vùng Văn Lãng - Đồng Đăng - Lạng Châu. Núi là linh hồn Chóp Chài khôn nguôi tự trách mình trở thành nguyên nhân tai hoạ.
Sau khi biết chuyện, chàng trai sống trong u uất khiến sinh bệnh chết trẻ. Bao năm đằng đẵng, dân bản liên tưởng núi khắc khoải hướng về gia đình Người Mẹ, nhắc nhở hậu thế tránh lỗi lầm của tiền nhân.
Dân Mẫu Sơn say mê huyền tích thác ghềnh trên đỉnh núi là nước mắt hối hận. Thời gian minh oan cho Người Mẹ, tiên nữ thường đến tẩy bụi trần, cảm thấu nỗi thống khổ nhân gian.
Ngàn năm qua, dòng thác tuôn rơi từ đỉnh núi tạo hồ ao quanh năm trong xanh mát lành. Chiêm ngưỡng ở núi khác, ánh sáng từ ao hồ phản chiếu lấp lánh như gương thần được tiên nữ lưu lại nhân gian.
Sông suối ao hồ mang nét đẹp riêng, nguồn sống cho hàng trăm hộ dân. Nhờ dòng nước mát lành ôn hoà khí hậu giúp sản vật sinh trưởng, vườn hoa tiên nữ gieo trên đỉnh Mẫu Sơn kết trái đào hồng thơm dịu.
Một lần thưởng thức, cả đời không quên vị ngọt bùi xen lẫn đắng cay thấm máu quyện nước mắt chuyện tình ngàn năm.
Đối diện rừng đào chín mọng có vườn chanh thầm lặng thu mình vào góc khuất. Người bản xứ nói trái chanh nhỏ bé là nước mắt hối hận của Người Cha. Kẻ cùng cảnh ngộ về Mẫu Sơn mong say mãi không tỉnh trong men rượu mang hương chanh thanh khiết cay nồng.
Kẻ sành ăn rủ bạn nhậu đến thưởng thức danh tiếng hoa trái Mẫu Sơn lan truyền muôn nơi. Người đa tình ghé thăm núi Mẹ nhiều nhất, tín đồ cầu duyên trước vết sạt trắng ở núi Mẹ, người đó sẽ hạnh phúc viên mãn.
Thời điểm đó, khi trời mưa, vết sạt trắng hình thành thác nước, tương truyền là dấu ấn hoa tiên nữ trên vai Người Mẹ, chứng minh lòng thuỷ chung.
Ngày quang đãng, từ núi Cháu ngóng sang, vết trắng hiện giữa cây xanh ngút tầm mắt trên núi. Huyền tích ly kỳ đẩy đồn đại vượt xa thực tế, có kẻ tin tắm ở thác rồi vào phế tích đền cổ trên núi Mẹ thắp hương sẽ vạn sự như ý.
Người thắp hương khấn vái chẳng quan tâm đền xây bao giờ. Kẻ nghiêm trang hành lễ, hỏi thăm nguồn gốc ngôi đền, dân bản xứ nói Người Cha lập đền thờ vợ. Ông dùng những tảng đá nơi vợ chết oan, mài khắc thành cột dựng trên nền đá. Hàng ngày thăm đền để dằn vặt tội lỗi mãi mãi[3].
Giọng kể trầm ấm chạm vào trái tim đa sầu, khách ngậm ngùi khóc thương, cúi đầu lén giấu nước mắt tuôn rơi. Riêng thằng nhóc tò mò hỏi địa điểm ngôi đền cổ, chăm chú nghe đến rớt kẹo trong miệng:
- Đền trên đỉnh Mẫu Sơn.
Già làng dứt lời, nó chạy như bay khỏi nhà. Ông lão Việt Thanh vội đuổi theo:
- Chờ sáng mai hãy đi!
Thằng bé ngớ người nhòm trời tối hơn hũ nút, gãi đầu cười hề hề theo thầy vào quán trọ ven đường. Lờ mờ sáng hôm sau, nó dậy trước tiếng gà gáy, lúi húi khoác túi lên vai. Người thầy ngồi đợi bên tách trà từ lâu.
Nó chẳng nói chẳng rằng, cầm tách rưới trà vào khăn rửa mặt rồi tu một hơi cho tỉnh hẳn. Khà ra khoan khoái, hứng chí đi cùng thầy.
Trời nửa sáng nửa tối vẫn đông khách thập phương. Đoàn người không ngại đường xa vạn dặm đến huyện Lộc Bình. Từ đây đi nửa chặng tới thôn trấn Chi Ma phải rẽ trái, ngựa xe bị rừng rậm cản trở, cuốc bộ nửa canh giờ tới đền cổ. Phần đông du khách chọn lối bằng phẳng mà leo lên Mẫu Sơn, nó nằng nặc đòi trèo những ngọn núi khác trước:
- Thầy, con muốn leo núi cho khoẻ chân!
Thầy gật đầu chấp nhận cách rèn thể lực này, dặn Thiên cẩn thận leo từng bước. Nhóc Thiên hề hề cười gật đầu hăm hở chạy đến dãy núi. Mọi ngọn vươn đỉnh chạm mây trôi trên nền trời xanh xám.
Địa hình mấp mô lắm sỏi đá bùn lầy, một già một trẻ lò dò mấy canh giờ, leo xuống trèo lên đến khu vực lưu dấu di tích đền cổ lợp ngói Âm Dương.
Đường lên di tích trước đây cỏ rêu mọc xanh lối đi, xung quanh dây leo lan rễ từ ngoài vào đền. Từ ngày biết huyền thoại Mẫu Sơn, Yên Vân lệnh gia nhân dọn sạch. Vệt máu vấy đổ trong đền được bảo vệ tuyệt đối.
Ông ta muốn huyết tích tang thương lưu dấu huyền thoại Mẫu Sơn cho muôn đời sau. Nơi nào mang huyết tích, nơi đó ru hồn du khách.
Thiên chen vào đám đông. Nó nhóng mắt xem phiến đá đẫm màu máu trước điện thờ. Nghía ngang ngó dọc, rút sách trong túi, lật phần thần thoại truyền thuyết ghi chữ trên bia cạnh phiến đá:
"Theo truyền thuyết người Dao đỏ ở Mẫu Sơn, mỗi cành cây ngọn cỏ và phiến đá ở đền cổ đều mang linh khí, kẻ phàm tục không thể bất kính.
Xa xưa có người Dao đỏ tại bản Lặp Pịa thuộc huyện Lộc Bình đi săn thú rừng tới xẩm tối, ông ta mang phiến đá có hình thù kỳ quái trên đỉnh núi Mẹ về nhà nấu nướng.
Sáng sớm tỉnh giấc, ông phát hoảng nhòm những giọt máu loang đỏ chảy từ phiến đá, kinh sợ vác đá trả lại đỉnh núi, cầu xin thần linh tha thứ.
Truyền thuyết người Dao đỏ lưu truyền đời đời, cảnh tỉnh thế hệ sau không lấy thứ gì hoặc tổn hại núi Mẹ.
Đối với người Dao đỏ, chốn đặt phiến đá thiêng cùng khu vực phụ cận là lãnh địa linh thiêng bất khả xâm phạm. Bắt nguồn truyền thuyết trên, một loạt đền thờ bằng đá ra đời ở Mẫu Sơn tạo văn hoá tín ngưỡng tâm linh."[4]
Nét văn hóa lưu trên bích hoạ ở vách tường loang lổ. Bức tranh là tâm huyết nghệ nhân mong truyền thuyết trường tồn.
Mở đầu huyền thoại, những đoạn đường đèo heo hút gió đồng hành cùng các dốc dựng ngược trải đầy sỏi. Đèo dốc băng rừng vượt suối tìm về Mẫu Sơn giống con thơ sà vào vòng tay mẹ hiền.
Ngàn năm nay, Mẫu Sơn được bao bọc bởi vô số ngọn núi lớn nhỏ trải dài dưới biển mây bất tận. Quần thể núi đá cao vời vợi đó vùi mình vào những khu rừng rêu phong già cỗi.
Rừng núi ngủ say trong khói mây hoặc sương tuyết phủ trắng không gian. Sương tàn tuyết tan, không gian mờ ảo hiển hiện rừng thông xanh ngút ngàn chạy dọc đường độc đạo uốn lượn quanh co. Kế bên đường có vách núi dựng đứng nằm sát vực sâu thăm thẳm.
Địa hình dẫn lên nơi cao nhất Mẫu Sơn nguy hiểm như vậy, mỗi ngày Người Mẹ dìu con cháu xuống điểm hẹn đoàn viên là thung lũng bích đào dưới chân núi gần sông Kỳ Cùng.
Mòn mỏi chờ mong, bóng hình Người Cha biệt tăm, Người Mẹ lủi thủi bồng con lên núi Mẫu Sơn ngóng về phía Bắc - xứ sở Người Cha chinh chiến.
Người Mẹ cứ chờ, cứ đợi hết thời thanh xuân. Vạn vật đơm hoa kết trái trong sắc bích đào hồng thắm, Người Cha hồi hương cùng vinh quang chiến thắng. Niềm vui đoàn viên thành bi kịch gia đình.
Cảm thương số kiếp bất hạnh, nghệ nhân khắc hoạ tuyết trắng phủ bạc thân thể Người Cha ôm con cháu, gục khóc trước mộ Người Mẹ. Khách phương xa bùi ngùi rơi lệ, lặng lẽ rời xa nơi đau thương này.
Nhóc Thiên chẳng hiểu sao mọi người lại xúc động. Đối với nó, bích hoạ chỉ là cổ vật muốn thấy tận mắt. Nó săm soi từng hoạ tiết hoa văn miêu tả Mẫu Sơn dưới nắng hè.
Nắng chang chang thiêu đốt đồng bằng, lạ thay không khí ở rừng núi Mẫu Sơn dịu mát giống tiết trời cuối thu. Không khí se lạnh khi mây mù tụ rồi tán, tán rồi tụ.
Hàng ngày, mây tán hay tụ đều quẩn quanh lưng chừng và vươn tới đỉnh núi cao nhất Xứ Lạng.
Mây giăng từng bước lên ngọn núi để tận thấy máu oan khuất của Người Mẹ chảy thành suối, nước mắt hối hận của Người Cha hoá thành sông.
Sông suối trên đỉnh Mẫu Sơn chảy xuống vùng núi đồi ban sơ, đổ về nơi chỉ còn cỏ cây héo úa với ruộng đồng xác xơ.
Dân bản không chịu nổi khổ cực, rất nhiều người biệt xứ. Trớ trêu thay dứt áo ra đi, sông suối lại hồi sinh đất mẹ. Từ đó, Mẫu Sơn thành kỳ quan thiên nhiên.
Quanh những cánh rừng nguyên sinh quây quần đồi núi, sông suối đan chéo chằng chịt tựa mê cung. Thông qua nghệ thuật điêu khắc siêu phàm, mê cung mang hoa văn tinh xảo thoắt ẩn thoắt hiện trước mặt thầy trò Thiên.
Thiên dụi mắt nhòm nét chạm trổ sông suối phân chia khắp nơi. Lạ là nhiều sông suối trên bích hoạ khác xa đời thực, không chảy sang hướng Tây mà hội tụ phía Đông Nam - xứ có nhà tranh của chàng du mục trên núi Phật Chỉ. Thiên gãi đầu hỏi:
- Thầy, sao cái đền này kỳ lạ thế? Con chẳng thấy cái nào giống nó cả! Sao người ta cứ thích làm khác thường với những thứ bình thường vậy? Khắc sai lung tung hết. Chả vui tí nào!
Việt Thanh quan sát từ trái qua phải, nụ cười hiếm thấy thoáng hiện, người thầy bảo nhìn thật kĩ bức hoạ. Thiên hiểu thầy muốn nó rèn luyện nhãn lực, gật gù dí sát mắt soi từng chi tiết.
Lát sau khóe mép vén lên nhận ra sông suối (khắc sai) nối nhau thành hình chim Lạc. Miệng cười tươi rói, mặt mũi chau xụ nhòm đường khắc sông suối hình chim Lạc bị nhuộm đen. Thiên gãi đầu vò tai chẳng hiểu lý do phóng tác vượt mức cho phép:
- Thầy ơi thầy, nhuộm đen cho nước là văn hoá điêu khắc ở đây hả thầy?
Ông thầy lắc đầu. Thiên giơ tay chỉ nét khắc đen tuyền. Ông dòm sát đường viền minh hoạ sông suối. Thời gian bào mòn màu sắc, đường viền đứt đoạn, hình ảnh "chim Lạc" vẫn tung cánh bay cao và hướng mỏ về đền cổ. Đền dựng tại nền nhà cũ vợ chồng tiên nữ.
Việt Thanh chú ý hình dạng đền thờ giống một cái tháp. Ngoài đền bắc cầu thang sát hai vách tường dẫn lên mái hiên. Mái bên trái bằng phẳng, mái bên phải mang hình phượng hoàng ngóng trông phương xa.
Kiến trúc khác biệt mọi nơi ông lão từng xem, thông thường đồng bộ từ kiểu dáng tới hoa văn, nhiều thứ ở đây chẳng liên quan nhau, mái hiên khắc hình phượng hoàng, sông suối đổ về đền mang hình chim Lạc.
Lướt qua hoa văn sóng nước ba đào chạm trổ khắp đền, ông xét kĩ lần nữa, giật mình phát hiện toàn bộ bức hoạ liên quan... nước.
Đền thẳng như tháp, hai cầu thang dẫn lên hai mái hiên - tượng trưng chữ Thuỷ (水) trong Ngũ Hành. "Thuỷ" hiện diện mọi thứ quanh đền từ sông suối đến chim Lạc: biểu tượng lúa nước thượng cổ - thời chàng du mục sống.
Chim Lạc hướng mỏ về đền tựa muốn "ai đó" đến thăm. "Phượng hoàng" quan hệ mật thiết tới nước trong huyền thoại khác. Nghệ nhân không thể khắc mọi thứ liên hệ nước mà không có dụng ý. Ông lão đến hỏi thủ từ:
- Xin hỏi ai xây đền và khắc bích hoạ này?
Thủ từ đáp:
- Dân gian truyền tụng, ba mươi năm sau ngày chàng du mục cùng Hoa Dung biệt tích, Mẫu Sơn xuất hiện đoàn người lạ. Họ đến xây đền với khắc tranh mà không quan tâm mọi thứ. Hỏi cái gì, họ cũng chỉ nói nhát gừng, giống e sợ gì đó. Họ đến rồi đi như làn gió. Không ai biết họ ở đâu. Người ta còn chẳng biết họ đi lúc nào nữa.
Ông lão chú tâm "nuốt" từng câu rồi vồn vã hỏi:
- Dung mạo và trang phục của họ như thế nào?
Thủ từ ngạc nhiên, nào giờ vô số kẻ hỏi người xây đền, tuyệt nhiên chẳng ai hỏi dung mạo hay trang phục.
- Trang phục với dung mạo bình thường như mọi người.
Thông tin mù mờ. Ít nhất cho biết người phương xa xây đền khắc tranh. Ông lão đi nhiều nơi, gặp nhiều chuyện lạ, chưa thấy ai đến đất khách xây đền cho người lạ.
Nếu đám xây đền có can hệ truyền thuyết cũng không cần giấu giếm. Dòng phân tích xoáy vào câu hỏi nan giải, ông lão bế nhanh Thiên ra khỏi đền. Nó gãi đầu hỏi. Người thầy chú tâm đưa học trò đến núi Phật Chỉ.
Chú thích
[1]Huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Lạng Sơn, phía Bắc và phía Đông của huyện là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía Nam là huyện Lộc Bình và Chi Lăng, phía Tây là huyện Văn Lãng và Văn Quan.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Cao_Lộc
[2]Thị trấn Chi Ma là cửa khẩu Chi Ma tại vùng đất bản Chi Ma xã Yên Khoái huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.
Cửa khẩu Chi Ma thông thương sang cửa khẩu Ái Điểm ở huyện Ninh Minh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây có cột mốc 1223.
Cửa khẩu Chi Ma là điểm cuối của tỉnh lộ 236, và cách thị trấn Lộc Bình 13km theo đường này về hướng Đông Bắc.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Cửa_khẩu_Chi_Ma
http://sovhtt.langson.gov.vn/vi/node/6745
[3]Đền cổ này từng ghi dấu chân nhiều tháng lăn lộn tìm tòi của Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng trước khi ông mất (2005).
[4]Từ đầu TK.XX, dân quanh vùng Mẫu Sơn truyền tụng huyền tích này. Nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận nhờ đó thành "vùng lãnh địa linh thiêng" là khu linh địa Mẫu Sơn với đền cổ và mộ đá, mang đủ ý nghĩa một di tích và trung tâm hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người ở đây.
Đền thờ thần trấn núi Mẫu Sơn là Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần.
Từ trước những năm 20 thế kỷ XX, cư dân ở đây vẫn hành hương lên khu linh địa để tế lễ. Sách Lạng Sơn Đoàn Thành đồ của Nguyễn Nghiễm (viết năm 1758), ở mục ghi về di tích, nhắc đến đền Mẫu Sơn ở xã Khuất Xá.
Đại Nam Nhất Thống Chí chép về đền ở núi Mẫu Sơn. Theo báo cáo khoa học kết quả nghiên cứu, khai quật khu di tích Mẫu Sơn 2003 của Bảo tàng Tổng Hợp Lạng Sơn, di tích này có từ lâu đời, xây khoảng từ TK.X đến TK.XX.
Link nguồn
https://www.facebook.com/Loanthehungca/photos/a.899720520184224.1073741831.661720967317515/913481295474813/?type=3&theater