Chereads / Loạn Thế Hùng Ca / Chapter 9 - Nuối tiếc hay hối hận?

Chapter 9 - Nuối tiếc hay hối hận?

Chương 9

 

Nuối tiếc hay hối hận?

 

Nó hớn hở chạy tới rìa chân núi trước mặt, giúp dân đỡ từng thúng na truyền từ núi xuống bằng giàn ròng rọc. Cô gái bán na cười vui, tặng vài trái na tươi nhất.

 

Thằng nhóc háu ăn thèm chảy nước miếng, nhưng nhận ra nhóm bán trái cây là người Nùng, nó bỏ ngay trái na xuống rổ, lật sách đến mục y phục xem phần ghi quần áo người Nùng, vừa đọc vừa ngắm coi có khác lời già làng kể hôm qua:

 

"Trang phục Nùng đa sắc màu từ xanh nhạt, xanh thẫm, tím than, xanh đen. Chủ đạo nhất vẫn là màu chàm truyền thống, do người Nùng sống bằng nông nghiệp, trồng lúa nương, cấy lúa nước, nhuộm áo dệt từ bông trắng thành màu chàm từ nước cây chàm đỡ nhiều công giặt và hài hòa tự nhiên. Nước chàm ngấm áo làm vải bền màu, lâu hỏng hơn.

 

Màu áo chàm nhuộm bằng nguyên liệu lấy từ thiên nhiên là cây chàm, loại cây trồng thường thấy ở các tộc người như Tày, Nùng. Cây là thứ quan trọng nhất để may trang phục Nùng truyền thống.

 

Cách tạo màu cầu kỳ công phu. Đập cây chàm, ngâm nát nhừ với nước và tinh lọc, giữ bột chàm hòa nước theo ý riêng mỗi người. 

 

Thông thường mảnh vải hơn hai trượng, ngâm mỗi lần nửa canh giờ, phơi hơn nửa canh để khô hẳn. Nhuộm đi nhuộm lại một tháng cho vải chàm chuyển màu đen hoặc xanh. Nhuộm vải với chàm cần nước vôi. Nước vôi màu vàng, vải lên màu đen. Nước vôi xanh, vải bị trắng.

 

Dù thuộc nhóm Nùng nào, các trang phục Nùng đều khá đồng nhất, chi tiết đa dạng, phân biệt bằng giới tính, độ tuổi, địa vị và theo nhóm địa phương. Xưa nay, nam nữ mặc quần cạp to, ống rộng dài tới mắt cá chân, thêu các đường viền chỉ màu tập trung rõ nhất ở tà, gấu áo.

 

Nam đội khăn mặc quần. Áo thường ngang hông kiểu tứ thân với dải thắt lưng bằng lụa, bó gần sát người, tay dài lại rộng, cổ áo khoét tròn. Áo đính bảy cúc, may bốn túi hoặc hai túi bằng vải thêu. Trang sức bằng bạc giống phụ nữ, đàn ông Nùng hiếm khi đeo.

 

Trang phục bề ngoài chẳng có gì đáng chú ý so tộc người khác, áo chàm Nùng chống nắng lúc phát rẫy làm đồng, mặc hơi nóng mùa hè, chống giá lạnh mùa đông, mặc hai quần rất ấm, rét thấu xương cũng không sợ.

 

Trang phục phụ nữ Nùng phong phú hơn, diện cả năm thân với tứ thân. Tứ thân ngắn, vạt trước may bốn túi nhỏ. Gần phần ngực xẻ cài hàng cúc bằng nút vải bên nách phải. Gấu áo cùng nẹp áo rộng bằng ống tay.

 

Phía trong cổ ống tay màu xanh may nối ra ngoài mảnh vải hồng lá sen. Từ cổ áo lượn xuống cổ tay thêu những mảnh vải nhiều màu, làm chủ các sắc màu tươi sáng là màu chàm trầm mặc.

 

Áo năm thân màu chàm ngắn đủ che mông. Lội đồng làm ruộng, tất bật cả ngày, người Nùng nới rộng thân và tay giúp cử động thoải mái.

 

Người Nùng chú ý ngoại hình thể hiện trên trang phục. Phụ nữ Nùng học hỏi cách may mặc của tiền nhân và những nền văn hóa các tộc người lân cận.

 

Nỗ lực đền đáp cho họ đôi tay uyển chuyển như nghệ nhân, nhịp nhàng dệt họa tiết hình vuông kết hợp hoa văn quả trám thành tam giác liền kề nhau.

 

Tỉ mẩn gắn các tua hình tam giác vào khuy cổ áo bằng hạt bạc, khéo léo thêu hoa văn bướm vàng bay hai bên khuy cổ áo hình nụ hoa hé mở. Biểu tượng giản dị thân thuộc này là mong ước hạnh phúc của phụ nữ Nùng.

 

Không chỉ làm khuy áo, các hạt bạc sáng lấp lánh đính dọc nẹp áo, tạo trang trọng trong mắt người đối diện. 

 

Hễ thêu thùa may vá, phụ nữ Nùng liên tưởng cuộc sống và sự vật xung quanh con người. Liên hệ trang phục với đời sống thể hiện trên váy cắt hình chóp cụt, kỳ công ghép mười hai màu vải tượng trưng các tháng để may cạp váy.

 

Mặc váy ôm trọn lấy eo, thân váy hơi bồng tôn duyên dáng, trẻ trung, hài hòa trang phục. Người đẹp vì lụa, y phục người Nùng đẹp vì trang sức, một phần không thể thiếu cho xiêm y truyền thống phụ nữ Nùng."

 

Bộ trang sức ấy hiện diện trên trang phục cô gái bán na. Khẽ chấm bút vô nghiên mực ghi vào sách, thằng nhóc nhóng mắt nhòm vòng cổ và khuyên tai bằng bạc đan cài chùm tua xích.

 

Phía đuôi trạm trổ tinh xảo vô số thứ, bắt mắt là hình cá nhỏ nằm trong hình tam giác, xem lướt giống cá tung tăng bơi dưới hồ.

 

Chùm tua leng keng lật qua lật lại để lộ hình cánh bướm đậu nụ hoa tầm xuân. Nó bỏ qua tiếng kêu vui tai, ngước mắt coi khăn đen ôm sát phần trán, quấn hai lớp trên đầu tạo hình múi.

 

Lần đầu thấy kiểu vấn khăn này, đứa trẻ ham mê văn hóa say sưa ghi khăn vấn giống cặp sừng trâu mọc hai bên. Nò tò mò hỏi lý do, cô gái nói đó là quan niệm người Nùng Dín coi "con trâu là đầu cơ nghiệp". Nó vừa nghía vừa tả đuôi khăn buông xuống vai, điểm nhấn duy nhất là khăn đính những hạt bạc trắng.

 

Nó còn nghe già làng nói người Nùng một lòng gìn giữ văn hóa dân tộc cho muôn đời sau. Không riêng dân bản, hầu như thầy cúng đều khoác trang phục chàm làm lễ cho bà con[1].

 

Nó thích nhất điều này, thầy nó dạy văn hóa là gốc rễ của con người và quốc gia. Mất ý thức giữ gìn bảo vệ, tôn sùng văn hóa ngoại bang đến độ miệt thị văn hóa cha ông, gốc rễ ấy sẽ biến mất hoặc bị ngoại xâm đào bới hủy diệt, lũ giặc biến dân xứ này thành nô lệ về thể xác lẫn tinh thần.

 

Lúc đó kẻ mất gốc đến mức không thể tìm về cũng không muốn tìm về nguồn cội, "một lòng một dạ" ước là người cùng một nước với giặc, mong biến thành "đồng loại" với chúng, thậm chí ước mình thành hậu duệ của kẻ xâm lược đất nước này.

 

Thằng bé còn nhỏ chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng không dám quên lời thầy dạy bảo, nó còn cẩn thận ghi vào sách.

 

Cô gái cho vài quả na vào túi nó. Đứa trẻ gửi trả đống na đu dây, khoanh tay nói:

 

- Pjòm bái![2] Em ăn một quả thôi là no căng bụng rồi!

 

Cô gái ngạc nhiên nghe thằng bé đa tạ bằng tiếng Nùng.

 

- Em nói tiếng Nùng giỏi thế!

 

Cô cười tít mắt bẹo má thằng nhóc. Nó hì hì nhón trái tươi nhất. Đứa trẻ biết ý trả trái cây nhưng lại háu ăn lấy quả ngon nhất, ông lão hài lòng cách cư xử khôn khéo mà vẫn hồn nhiên. Người thầy bế học trò ngồi lên vai, vẫy chào mọi người. Các chủ quán mời thầy trò ăn trái cây tráng miệng. Ông lão đáp lại nhã ý:

 

- Pjòm bái! Pây cón!

 

Theo ngôn ngữ người Nùng, tạm biệt là slắng pjạc [slaengo pjacj]. "slắng pjạc" tức tạm thời chia ra, đồng nghĩa tạm biệt. Thân thiết với ai, người Nùng dùng từ pây cón, "pây nỏ/né", "noọng pây cón" hay "câu pây nỏ" để tạm biệt. Lần đầu nghe tiếng thân quen từ người lạ, dân bản xứ vui đến quên chào đáp lễ, ưỡn ngực hãnh diện bày trái cây đầy mâm:

 

- Xin mời các vị!

 

Thái sư bóc múi cam đầu tiên khai tiệc. Nửa canh giờ sau, khách lần lượt ra về. Người cuối cùng đi khỏi chợ phiên, đội ca nương bỗng dưng nôn thốc nôn tháo, ôm bụng kêu la thảm thiết. Chủ quán hốt hoảng chạy tới giúp đỡ. Các nạn nhân gào thét khủng khiếp hơn. Thiết Nam trấn an:

 

- Họ ngộ độc thức ăn! Mọi người đừng sợ! Tôi sẽ cứu họ!

 

Hắn nhanh lấy thuốc trong tay nải cho ca nương uống. Đám đông mải chăm sóc nạn nhân, hắn bèn lén nuốt thứ gì đó. Tình hình tạm ổn đến lượt hắn sốt cao chóng mặt, ngã vật ra đất. Hắn chỉ đống thuốc chữa cho đội múa bồng:

 

- Cứu tôi bằng thuốc này!

 

Không biết qua bao lâu, Thiết Nam hồi tỉnh, lờ mờ nhận ra ông lão tóc bạc bắt mạch cho mình. Đội ca nương nằm hôn mê xung quanh. Vợ chồng Thủ Độ đương trò chuyện. Thiết Nam day ngực nhăn mặt hỏi ông lão:

 

- Ông chưa đi sao?

 

Ông lão nói đi chưa xa gặp đoàn tạp kỹ, thằng nhóc đòi xem. Thầy trò nghe tiếng la hét bèn quay lại chợ. Thiết Nam cảm ơn:

 

- Tôi bất tỉnh bao lâu thế!

 

- Nửa tháng!

 

Thiết Nam nghi hoặc, ông lão thản nhiên. Hắn khó tin mình ngất lâu đến vậy, nhưng đối phương không có lý do để nói dối. Tinh thần hoang mang lại chịu áp lực phải vô địch.

 

Nếu thất bại, bi kịch tái diễn, đóa hoa mà hắn trân quý sẽ úa tàn, hắn lại mất tất cả một lần nữa… và… lần này sẽ không còn cơ hội làm lại cuộc đời nữa.

 

Nỗi sợ đó trói buộc tâm lý khiến hắn hoảng hồn. Vợ chồng thái sư và ông lão ngó hắn gượng dậy bất thành, sức lực mất hết ép hắn nằm bẹp xuống đệm. Lan dành trọn niềm tin cho người nàng yêu, hắn chẳng thể đáp ứng kỳ vọng. Tên bao đồng cúi đầu trầm tư nghe ông lão hỏi:

 

- Mi muốn tham gia đại hội võ thuật?

 

Hắn cười buồn gật đầu. Ông lão nheo mày hỏi:

 

- Mi chưa ghi danh?

 

Thiết Nam xác nhận bằng tiếng thở dài. Người ta đương buồn không nên làm phiền, ông lão lại đa sự nhiều lời:

 

- Tiếc nuối hay hối hận?

 

Thiết Nam nheo mày xét nét kiểu hỏi thăm dò. Hắn bỏ lỡ ghi danh đâu liên quan đến ai, ông ta lại hỏi dồn dập. Lối ép cung này hợp với Thủ Độ hơn người thầy đáng kính. Hắn là kẻ yêu nước trong mắt thái sư. Ông già hắc ám truy vấn còn có lý.

 

Thiết Nam khó hiểu kẻ bao đồng hơn cả tên bao đồng. Từ bao đồng vụt lóe trong đầu, Thiết Nam cười thầm tự giễu bản thân, hắn có thể nhớ mọi thứ tồi tệ chưa thể xử lý, tên bao đồng lại quên hắn không phải kẻ vác tù và duy nhất.

 

Thiết Nam chăm chăm nhìn ông lão. Kẻ xa lạ khẽ cười cúi đầu vì lộ ý đồ thực sự. Thiết Nam liếc trộm thái sư. Ông lão có lòng tốt giúp tìm hiểu Thiết Nam, vợ chồng Thủ Độ chẳng ngần ngại đón nhận công sức đó, hai người háo hức mong chờ câu trả lời mãn ý. Thiết Nam cười khùng khục hý lộng ba người:

 

- Tôi hối hận lắm, hối hận giúp dân giảng hòa nên lỡ cơ hội ngàn vàng. - Thiết Nam ngước mặt làm bộ thở vắn than dài - Có lẽ phải tìm thầy lang trị tận gốc căn bệnh bao đồng này thôi! Tôi không muốn cả đời phải hối hận vì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nữa!

 

Vợ chồng thái sư không còn lạ tính Thiết Nam. Hắn lớn gan đe dọa cả thái sư, huống hồ chỉ là đùa vui cho vơi bớt nỗi buồn. Vợ nhìn chồng, chồng ngó vợ, hai người liền thấy đối phương thích thú cái cách Thiết Nam ứng xử.

 

Chồng ngỡ ngàng kẻ bất tuân quy tắc y hệt ông ta. Vợ cười mỉm mừng cho chồng không còn "cô đơn" nữa. Chồng khoái chí cười vang, từ nay kẻ độc đoán có người yêu nước làm bạn vong niên với mình.

 

Mường tượng đôi bạn quái dị bù khuyết cho nhau trên chính trường, thiên hạ lại một phen điên đảo, thái sư ăn mừng bằng cách đích thân rót rượu cho Thiết Nam. Ông già lắm chiêu nhếch miệng cùng hắn cụng ly:

 

- Nào nào nào, mi có hối hận hay không cũng phải uống với ta một chén!

 

Thiết Nam cười:

 

- Uống xong chén rượu này tôi không còn hối hận nữa!

 

Hai kẻ kỳ dị cạn chén. Thái sư đang vui liền quay ngoắt thái độ, trầm mặc ngó Thiết Nam:

 

- Uống rượu với tri kỷ phải nói thật, mi có hối hận không?

 

Thiết Nam thấy Thủ Độ nghiêm túc. Đáy mắt ông già sâu hoắm nhìn xoáy như kính chiếu yêu. Thiết Nam rùng mình lạnh toát sống lưng. Hắn chẳng có lý do dối trá, Thủ Độ vẫn chơi tâm lý chiến.

 

Hễ ông già chiếu tướng, hắn lại bị nhìn thấu tâm can. Thiết Nam hoang mang mất tự chủ. Hắn nhắm mắt hít sâu một hơi đợi tâm bình ổn mới khẽ cười trò uy hiếp tinh thần:

 

- Tiếc nuối! - Thái sư lừ mắt khiến hắn giật thót - Thôi chết, tôi quên phải thưa gửi đàng hoàng!

 

Thái sư chém tay vào không khí dọa nạt. Hắn gãi đầu tạ lỗi. Thủ Độ im lặng không nói. Ông lão lên tiếng hỏi Thiết Nam:

 

- Vì sao?

 

Hắn liếc thái sư:

 

- Vì tôi là tên bao đồng!

 

Thái sư hé miệng cười khục:

 

- Khiêm tốn thế kẻ yêu nước!

 

Trần Thị Dung tung hứng với chồng:

 

- Bao đồng thường thích khiêm tốn!

 

Thằng nhóc đứng xem nãy giờ, nghe mọi người nói toàn chuyện khó hiểu, ngây ngô gãi đầu hỏi:

 

- Ủa, mọi người nói gì thế? Hối hận với tiếc nuối gì cơ?

 

Bốn người bật cười. Người thầy giải thích cặn kẽ cho học trò, nó gật gù hiểu ra, nhăn răng cười trêu Thiết Nam:

 

- Anh ngất bốn canh giờ thôi, thầy muốn đùa tí cho vui, ai ngờ anh tưởng thật. - Thằng nhóc cười khanh khách - Ha ha, có người bị lừa, có người bị lừa!

 

Thiết Nam thộn mặt trò đùa dai, vợ chồng thái sư cười khục. Hắn thở phù lọn tóc lất phất trước mắt và uống cạn bát thuốc. Ông lão nói lớn:

 

- Nạn nhân đã tỉnh!

 

Các chủ quán mừng rỡ vào lều hỏi thăm. Dân Làng Dưới trông Thiết Nam vài khắc trước còn hoạt bát, nay mồ hôi ướt toàn thân, mặt mũi nhợt nhạt khó coi. Đội ca nương chẳng khá hơn, tất cả lần lượt hồi tỉnh, nhăn nhó kêu bụng đau âm ỉ.

 

Xưa nay chưa ai bị ngộ độc đừng nói suýt mất mạng, ân nhân thành nạn nhân của trái cây bày dưới đất. Đả kích quá lớn buộc kẻ thủ cựu thay đổi. Người già nhất hội tạ lỗi và hạ quyết tâm:

 

- Từ nay không cố chấp nữa. Chúng tôi trải nhiều lớp thảm dày, mưa dầm hay nắng to sẽ bày lên bàn, dựng lều bạt.

 

Dân Làng Trên vui mừng vỗ tay hoan nghênh quyết định đúng đắn. Đội ca nương cùng Thiết Nam thở phào nhẹ nhõm. Phản Thịt Lợn cười xoà vỗ vai ông bạn già:

 

- Đáng lẽ phải vui chớ sao cả lũ buồn thiu thế. Thôi, đi uống rượu với bọn tao.

 

Thiết Nam vội gọi Phản Thịt Lợn để hỏi mượn lều ngủ qua đêm. Chủ hàng thịt búng tay nói:

 

- Chúng tôi uống rượu bên kia đường, cần gì cứ gọi sẽ có ngay.

 

Thiết Nam và ca nương bình an, vợ chồng thái sư cẩn thận dặn đám ngộ độc chú ý giữ sức khỏe. Hai người nựng má thằng nhóc vài cái. Trần Thị Dung cười hỏi:

 

- Thầy trò nhóc tên là gì?

 

Ông lão tóc bạc chú ý nghe ngóng. Trần Thị Dung hỏi, ông lo học trò buột miệng. Nín thở chờ nó trả lời, hô hấp dường như bị siết ngạt. Thằng nhóc nhớ lời thầy dặn không tùy tiện nói điều không nên tiết lộ, nó gãi đầu cười hì hì:

 

- Cháu tên Thiên, thầy cháu tên Việt Thanh!

 

Thiên chỉ nói tên mà không nói họ khiến vợ chồng thái sư nhíu mày, nhưng bận giải quyết chuyện riêng, bèn chào tạm biệt. Ông lão Việt Thanh bình tâm trút bỏ nỗi sợ. Ông chờ hai người khuất bóng, bèn chất vấn đám ngộ độc:

 

- Các người giả bị ngộ độc làm gì?

 

Thiên kinh ngạc ngó hết lượt. Đoàn ca nương giật mình bật dậy. Đội trưởng ca nương cười giả lả:

 

- Ông nói gì tôi không hiểu?

 

- Các người cố tình nuốt thuốc trùng diệp để nôn mửa giống ngộ độc. - Việt Thanh chuyển qua Thiết Nam - Hạt độc dã thảo là cỏ dại chữa bệnh cảm mạo. Ăn trực tiếp bị sốt cao chóng mặt bất tỉnh, triệu chứng như ngộ độc thức ăn. Mi lại nuốt thứ cỏ ít người biết đó. Thuốc trong tay nải chữa mọi bệnh ngộ độc. Có tên bao đồng nào tự đầu độc và giải độc bằng thuốc của mình không, kẻ yêu nước?

 

Việt Thanh dọa:

 

- Giải thích không thỏa đáng, ta bắt giao cho quan phủ!

 

Đoàn ca nương trông ông lão mình hạc thân cò, khớp xương hơi nhô trên gương mặt hồng hào tươi nhuận, hằn trên dáng vẻ phúc hậu là đáy mắt già nua loé luồng sáng bạc áp chế tinh thần đối phương. Họ nhún vai nói với nhau:

 

- Thú nhận thôi anh em!

 

Thiết Nam bình thản nhìn thẳng mắt ông ta:

 

- Chúng tôi không giả ngộ độc suýt chết, người bảo thủ bày hàng dưới đất hết đời!

 

Đội trưởng nói:

 

- Bày đồ đầy đất, ai dám mua hàng? Sau này có người ngộ độc, công sức hôm nay đổ sông đổ biển. Chúng tôi buộc phải dọa để thức tỉnh kẻ cổ hủ!

 

Việt Thanh hồ nghi đòi bằng chứng cụ thể. Đội trưởng rút miếng kim loại hình chữ nhật trong túi áo:

 

- Chủ nhân Kim Tinh Các chỉ giao thẻ bài cho gia nhân thân tín. Chúng tôi nhận lệnh giúp dân buôn ở chợ phiên!

 

Nhóc Thiên nhìn thầy lật đi lật lại thẻ bài, nó bối rối lay áo giục xác nhận sự thật. Ông lão gật đầu trả thẻ:

 

- Ta từng thấy thẻ bài này ở Kim Tinh Các.

 

Thiết Nam cười:

 

- Ông biết mục đích giả ngộ độc vẫn chất vấn doạ nạt, chúng tôi phải kể hết sự thật nhưng kẻ nghe không phải ông mà là nhóc Thiên.

 

Thiên ngạc nhiên hết nhìn thầy lại ngó Thiết Nam. Người thầy khâm phục tài suy đoán của tên bao đồng. Ông khẽ cười nghe hắn nói:

 

- Thằng bé thấy ông tra hỏi và đối thoại với chúng tôi, nó sẽ biết ứng xử như thế nào ở tình huống tương tự!

 

Thiên há hốc mồm ngó thầy. Ông lão lặng thinh nghe hắn nói:

 

- Ban đầu thằng bé hoang mang tưởng chúng tôi là kẻ xấu, cuối cùng lại hân hoan vui mừng vì chúng tôi là người tốt. Sau này nó sẽ bình tĩnh suy xét chớ không hấp tấp kết luận ai là người tốt, ai là kẻ xấu.

 

Ông lão đáp lại bằng câu hỏi:

 

- Con có hiểu lời anh ta không?

 

Câu hỏi đồng nghĩa thừa nhận Thiết Nam nói chính xác. Thiên hớn hở nhảy lên ôm cổ thầy mình:

 

- Con người không giống nhau, chúng ta đừng vội nghĩ họ xấu hay tốt mà phải cẩn thận hơn. Con nói đúng không?

 

Thiết Nam gật gù khen thông minh và ca ngợi người thầy:

 

- Người thầy râu tóc bạc phơ, học trò còn trẻ con ham vui. Thầy như tre già, học trò còn quá nhỏ như măng chưa mọc. Sinh tử vô thường, hôm nay sống khỏe mạnh, ngày mai chẳng còn thấy mặt trời. Thầy sợ mình đột ngột khuất núi, học trò bơ vơ chưa kịp trưởng thành. Không ai chăm sóc chỉ bảo làm người, nó dễ lầm đường lạc lối. Nếu đang tráng niên, thầy chẳng hấp tấp vội vàng. Canh cánh nỗi lo, thầy phải tranh thủ tận dụng mọi cơ hội.

 

Đội ca nương nể phục Thiết Nam từ khi hắn khổ công múa hát. Nể phục thành nể sợ không ngờ hắn thấu hiểu người xa lạ.

 

Việt Thanh cúi đầu trầm ngâm, Thiết Nam nói hết tâm ý người thầy dành cho học trò, ông đăm chiêu hướng về đứa trẻ trong sáng.

 

Thiên há mồm tròn mắt quay qua quay lại ngó thầy và Thiết Nam. Nó bối rối chuyện thầy lo sợ khuất núi, thằng bé mếu máo ôm chặt thầy:

 

- Thầy sắp chết hả thầy, thầy đừng chết, thầy chết con ở với ai?

 

Mọi người khẽ cười thằng nhóc ngây ngô năn nỉ xin thầy đừng chết. Người thầy vòng tay ôm học trò, nhẹ nhàng vỗ về:

 

- Con chưa trưởng thành. - Việt Thanh liếc qua Thiết Nam, ánh mắt chất chứa hy vọng kẻ xa lạ thành người thầy thứ hai - Thầy sẽ không chết đâu!

 

Thiết Nam tứ cố vô thân, bản thân cô khổ lênh đênh, ốc không mang nổi mình ốc nói gì mang cọc cho rêu. Lần này kẻ bao đồng khó vác tù và lo chuyện thiên hạ.

 

Kẻ bao đồng là con người, không phải thánh nhân.

 

Thiết Nam không dám nhận lời nên chẳng muốn đối mặt người thầy đáng kính. Hắn hồi đáp bằng im lặng. Người thầy cười nhẹ, chuyện hệ trọng này liên quan cuộc đời một con người, hắn có lo trước cái lo của thiên hạ cũng chưa thể đồng ý.

 

Mọi mối quan hệ hình thành nhờ thân quen, tin tưởng. Hai kẻ xa lạ cần thời gian và cơ hội. Người thầy cần kiên nhẫn chờ đợi.

 

- Thật hả thầy? - Nhóc Thiên tươi cười hỏi - Thầy không chết thật hả?

 

Mọi người phì cười thằng bé vô tư. Người thầy gật đầu xác nhận. Nhóc Thiên mừng rỡ reo hò nhảy tót lên đệm nằm cạnh Thiết Nam. Vài khắc sau, ngáy pho pho.

 

Đêm về khuya. Sương lạnh thấm ướt lều bạt làm Thiên co ro. Thiết Nam nhẹ nhàng đắp thêm chăn cho nó. Hắn gác tay gối đầu suy nghĩ mông lung. Tên bao đồng trăn trở với bao tâm sự mà chìm vào giấc ngủ...

 

Chú thích

 

[1]Hiện nay bà con người Nùng ở Cao Bằng vẫn thường xuyên mặc quần áo truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày, đi làm đồng, hay đi đám cưới, lễ hội. Mùi thơm của vải chàm đã gắn bó với họ từ lâu đời và người Nùng luôn tự hào về bộ quần áo chàm mang đậm bản sắc của dân tộc mình. 

 

Đoạn tả trang phục dựa theo hai bài viết ở các link bên dưới, có lấy một số đoạn trong đó:

 

https://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/trang-phuc-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-nung-792663.vov

 

https://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/nhan-dien-nguoi-nung-qua-trang-phuc-446917.vov

 

Cảm ơn = pjòm bái [pjomu baik]. Nguyên nghĩa của "pjòm bái" là "khoanh tay cúi tạ", nên nó được dùng để biểu thị cảm ơn.

 

Link nguồn tiếng Nùng

 

https://www.facebook.com/boonghaypinoong/posts/526243937451899