Chương 8
Nam Quốc Sơn Hà Ký
Thằng nhóc ngồi lọt thỏm giữa đám khách. Nó nghển cổ ghi chép đầu bếp nấu từng công đoạn:
Làm sạch lông thịt lợn, rửa sạch để ráo nước, cắt dày bằng hai ngón tay thành miếng vuông có bì, mỡ, thịt cho dễ áp chảo đều bốn mặt, thui qua lửa chờ đổi màu thả vào nồi luộc chín tới, vớt thịt ra đợi nguội.
Cạo sạch phần bì, dùng que nhọn đâm chi chít liên tục cho bì hấp thụ nước thật mềm nhằm loại bớt lớp mỡ dưới da. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Chú châm kĩ thế làm gì?
Gã à một tiếng bảo càng châm kĩ miếng thịt càng ngon mềm, ngấm đều gia vị hơn và áp chảo bì giòn tan. Bì chảy mỡ liền lau sạch, bôi rượu thấm đều da, ướp thịt bằng nước cốt xay từ gừng tỏi cùng ít rượu trắng với lượng vừa đủ.
Đầu bếp đậy nắp đợi ngấm nửa canh giờ. Chờ đợi hoàn thành, thằng nhóc vô tư ăn uống trò chuyện cùng mọi người. Nó nhăn nhở trêu Thiết Nam. Hắn cười hỏi đùa:
- Nhóc tính làm đầu bếp à?
Nó lắc đầu nói:
- Không, em thích nấu ăn thôi!
Nó lại lúi húi ghi. Vợ chồng thái sư tò mò trông nó cắm mặt vào quyển sách. Trần Thị Dung nhẹ nhàng hỏi:
- Sách gì thế nhóc?
Thằng nhóc mải ghi chép, theo dõi đầu bếp trút thịt vào chậu giấm, vớt ra tẩm húng lìu với xì dầu[1], chờ nửa khắc nhằm lên màu bóng mượt và ngấm gia vị. Nó trả lời mà không thèm quay đầu:
- Đợi cháu ghi xong đã.
Ông lão tóc bạc nhắc nhở phải trả lời người lớn đàng hoàng. Nó nhăn nhó đưa sách cho người hỏi. Trần Thị Dung thấy sách không dày không mỏng, bìa cùng gáy làm bằng da. Gáy sách khắc hình chim Lạc, bìa trước khắc hình trống đồng.
Bìa sau khắc cảnh nhóm đàn ông Lạc Việt cởi trần mặc khố, đầu đội mũ hình chim Lạc. Đầu gối và cổ chân hai bên, cổ tay và bắp tay trái phải đều gắn vòng sắt. Tay trái cầm giáo dài gắn lông vũ tạo thành cánh chim Lạc, tay phải cầm dao quắm đánh giao long dưới sông.
Trên bờ nhiều phụ nữ mặc y phục cùng trang sức như nhau. Họ đeo xà tích trước ngực, đội mũ gắn lông chim Lạc màu trắng, khoác áo choàng bay phất phới.
Bên trong mặc áo ngắn mang hình sóng nước ở eo, áo ngắn đính dải lụa thả hờ hững xuống trước váy thêu hoa văn kỳ bí. Chân thon quấn vòng bao gắn lục lạc.
Tay trái giơ cao kiếm ngắn khắc hình tượng phụ nữ khuỳnh tay ở chuôi. Tay phải cầm gậy gõ giàn trống đồng cổ vũ đàn ông đấu giao long.
Phía sau phụ nữ là những nhà sàn mái hơi vát cong có chim Lạc đậu hai bên. Bà vợ thái sư mỉm cười đọc chữ trên bìa sách:
Nam Quốc Sơn Hà Ký
Trần Thị Dung thích thú tên sách kêu hơn chuông, lật từng trang xem nội dung. Những dòng chữ ghi sự kiện lịch sử, chiến tranh, văn hóa, phong tục tập quán, ma chay, cưới hỏi, quân sự, võ thuật và ẩm thực từ xưa đến nay ở Đại Việt... lần lượt hiện ra dưới ánh mắt kinh ngạc.
Vợ chồng thái sư tin chắc chắn sau này nó gắn thêm trang để ghi bổ sung, chép thêm thi ca, văn học, văn tự, luật pháp, hành chính, tiền tệ, nông nghiệp, thương nghiệp, thổ mộc, múa hát, âm nhạc... cùng đủ thứ thú vị khác.
Hai người bị cuốn hút vào câu từ văn hoa mượt mà, trịnh trọng nghiêm trang, đôi lúc ngây thơ dí dỏm pha nét tinh nghịch trẻ con.
Chủ quán sắp quay thịt, ông bà già vẫn say sưa đọc không chớp mắt, nó kêu lên:
- Ông bà trả sách để cháu ghi rồi cháu cho xem.
Hai người phì cười trông thằng nhóc nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Hiếm ai quan tâm mọi thứ của nước nhà đến si cuồng thế này, huống hồ đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, thằng nhóc ăn chưa no, lo chưa tới lại làm điều ý nghĩa cho đất nước, kẻ trưởng thành chưa chắc thực hiện nổi.
Vợ chồng thái sư cảm phục, vui vẻ trả sách, lệnh chủ quán vừa nấu vừa dạy mọi thứ tỉ mỉ cho nó chép. Chủ quán nào giờ vẫn mỏi mắt tìm người thích hợp để truyền nghề, gã hào hứng:
- Thái sư yên tâm!
Ông lão tóc bạc giật thót hướng về vợ chồng thái sư. Hai người đột nhiên nhột nhạt sau gáy, vợ cùng chồng chau mày nhòm chăm chăm đám thực khách. Cảm giác khó chịu vì bị dò xét chìm nghỉm trong tiếng cười nói huyên náo. Thái sư và vợ ngỡ mình đa nghi bèn xem thằng nhóc ghi nấu ăn.
Chủ quán vừa quay thịt vừa phết mật ong vàng bì, nhúng thịt vô chảo mỡ nóng già, thả mặt bì vào chảo áp trước nhằm chuyển màu cánh gián, lật lại mặt kia đảo vàng miếng thịt hơi sậm. Gã chờ bì giòn vàng liền thả xuống chậu nước lạnh, múc ra để nguội.
Nó luôn phải ngó nghiêng, bực mình đứng lên ghế xem gọt khoai lang - rửa sạch - thái miếng đổ vào mỡ chao vàng giòn, chờ nguội. Đầu bếp cười nửa miệng gọi:
- Nhóc muốn học nghề phải giúp tao một tay!
Đứa trẻ hò hú chạy đến gian bếp. Gã sai lấy thứ lặt vặt. Nó gật gật rút dao thái chỉ củ cải ngâm tương, bàn tay xoay vòng dao thái nhỏ dưa cải chua đem phơi khô. Nó chạy tới chạy lui, thi thoảng nhăn nhó xua khói bếp.
Vợ chồng Thủ Độ cả đời ngang dọc thiên hạ, gắng sức gánh vác sơn hà xã tắc, mấy chục năm tranh quyền đoạt lợi, chưa từng cho phép hưởng trọn một ngày vô lo vô nghĩ, vậy mà vô tư cười đùa thoải mái với đứa trẻ chạy lăng xăng.
Có lẽ hôm nay họ tìm thấy kẻ yêu nước, hoặc đơn giản muốn quên hết phiền muộn, buông đũa cười tít mắt xem thằng nhóc trổ tài nấu nướng. Nó khẽ cười nghe đầu bếp giảng giải:
- Nhóc trộn đều các thứ với giấm gạo, hai muỗng xì dầu, một muỗng đường, bột ngũ vị hương, nửa muỗng hành tỏi băm nhuyễn với một cân thịt lợn, hai miếng đậu phụ nhự[2] đánh nhuyễn, một chén nước nhỏ, nửa muỗng muối, một muỗng rượu trắng, tương tàu choong, nấm mèo[3], húng lìu, quế, hồi, địa liền, mật ong, giấm, hạt tiêu, ớt, bột gia vị, nửa trái chanh muối, một lát gừng, một hũ bắp cải thảo - loại đã muối khô.
Nó nêm lướt qua các thứ, gã nhắc ngay:
- Ấy chết, nêm thật kĩ, cái này rất quan trọng, nêm không vừa sẽ mất ngon. Đúng rồi, mắm cho xíu để dậy mùi thơm, đổ nhiều bị mặn vì dưa cải chua, củ cải ngâm tương, đậu phụ nhự đều mặn. Trộn xong đổ hết vào cối giã nhuyễn xào sơ qua.
Nó học rất nhanh, gã xoa tay cười hề hề:
- Mấy đứa con tao học mãi mà tẩm ướp sai lung tung. Tao lo thất truyền! - Gã cười hỉ hả xoa đầu nó - May quá vớ được chú mày, hôm nay Phản Thịt Lợn tao truyền hết nghề cho nhóc!
Gã đầu bếp Phản Thịt Lợn bảo thái thịt thành từng miếng, tránh cắt quá mỏng làm thịt nhanh mềm, không còn nguyên hình dạng.
Mỗi miếng đều có bì, mỡ, thịt, xếp thành khuôn, tuyệt đối đừng để rời ra, thành phẩm xấu. Mỗi bát tám miếng bằng đốt ngón tay tẩm gia vị. Đổ thịt cùng hỗn hợp gia vị vô nồi, ướp chừng một khắc ngấm hết gia vị.
Phản Thịt Lợn kêu lấy đĩa và bát to kích cỡ tương ứng nhau. Chú nhóc gật gù nghe gã dặn đặt đĩa ngay ngắn.
Nó vừa chu mỏ huýt sáo một bài dân ca, vừa rửa hết sạn lẫn độ mặn ở lá tàu soi (loại rau muối mặn dùng nấu ăn của người gốc phương Bắc, Tày, Nùng ở Lạng Châu), xoay vòng dao qua các kẽ tay, lưỡi dao sắc bén quay vùn vụt nhanh đến mất hình, nó bắt chuôi băm nhỏ làm nhân xếp dưới cùng, khoai lang đặt giữa đĩa.
Nó khẽ vẩy ngón tay rải thịt xung quanh cho phần bì hướng lên trên. Phản Thịt Lợn sờ ria mép, cầm đũa khua nhẹ thịt ôm trọn gia vị cùng khoai lang vào giữa.
Gã thong thả thị phạm động tác úp bát rồi lật ngược để nguyên đĩa vừa khít. Nó nhíu mắt ngắm nghía hồi lâu, căn chỉnh cẩn thận úp bát to vào đĩa, thở phù theo tiếng hét:
- Này thì lật này.
Thằng nhóc nhanh như chớp lật lại y hệt. Tất cả nín thở theo dõi và vỗ tay khen ngợi. Nó đặt bát thịt xuống bàn, nhảy choi choi bá cổ đầu bếp, ôm chầm ông lão tóc bạc.
Phản Thịt Lợn khích lệ vài câu, nhắc xếp từng bát vào nồi hấp cách thủy hai canh giờ[4] cho thịt chín mềm nhừ, giảm bớt mỡ, bớt ngậy mà đậm đà.
Gã kỳ công cắt lát trái cây thành hình thù đa dạng bày quanh mâm khâu nhục bê ra bàn tiệc. Mọi người chờ thái sư cho phép mới khai tiệc. Đám khách lần đầu ăn món này loay hoay định mở bát, Thiết Nam vội ngăn:
- Đừng, làm thế thịt nát mất!
Hắn lật úp bát thịt ra đĩa tạo thành "quả đồi" nhỏ để phần da thịt bày lên trên. Phản Thịt Lợn vui vẻ giải thích:
- Lật lại ra đĩa thể hiện ý chí và lớn mạnh trong tương lai. Người Tày, Nùng làm nhiều trong dịp Tết, cúng lễ, đám hỷ.
Bắt chước Thiết Nam thành công, ai nấy nhìn chằm chặp món ăn nguyên vẹn, màu vàng đều bắt mắt, thịt ngọt mềm cùng bì vàng rộm tỏa hương ngào ngạt đánh thức khứu giác.
Mùi khâu nhục ướp lá mắc mật thơm ngất ngây quấn sống mũi. Thực khách nhấm nháp nấm mèo mềm dẻo quện chặt các gia vị. Lưỡi xoắn quyện dung dịch sền sệt tiết ra từ thịt mềm nhừ vàng nâu sánh nước mỡ quấn hạt tiêu rừng mang vị ngọt nhẹ, thơm cay không gắt[5].
Ăn miếng thứ hai, thịt vừa nạc vừa mỡ kết dính dung dịch thơm thơm bùi bùi đỗ xanh lẫn khoai lang, mộc nhĩ cùng gia vị dần hòa tan nơi đầu lưỡi. Nhai phần bì ngòn ngọt mật ong chen lấn mỡ ngậy không ngấy len qua từng kẽ chân răng.
Nhằm đổi vị giác, Thiết Nam xúc thịt cuộn rau cải ngồng luộc cắn từng miếng. Tất cả ăn theo liền cảm nhận rau xanh giòn giòn ngọt mát mang mùi vị mới lạ, ăn mãi chẳng ngán. Rượu thịt no say, thực khách xoa bụng tấm tắc khen:
- Không ngờ Lạng Châu lại có món ngon tới vậy!
- Món ngon nhất tôi từng ăn!
Phản Thịt Lợn kể:
- Món này xuất xứ từ phương Bắc. Xưa có đầu bếp người phương Bắc đói bụng lục đồ ăn thấy vài lát thịt quay và mấy cọng cải cúc liền đem hấp, thêm chút gia vị thấy ngon, từ đó khâu nhục hình thành. Người phương Bắc coi là dân dã nhưng ý nghĩa tinh thần rất lớn. Sau nhiều năm, kết hợp khẩu vị Xứ Lạng thành món ăn nổi danh miền rừng núi. Khâu nhục còn gọi nằm khâu. Khâu nghĩa là hấp đến mềm rục. Thịt hấp rục, hấp chín nhừ[6]. Đến Lạng Châu chưa ăn sẽ tiếc cả đời.
Thằng nhóc thắc mắc:
- Chú ơi, bảo quản món này thế nào?
Câu hỏi gãi đúng chỗ ngứa của Phản Thịt Lợn, gã hào hứng tuôn một tràng:
- Khâu nhục để nhiều ngày chẳng sợ mất hương vị. Bảo quản lâu trong tiết trời lạnh vùng cao bao nhiêu, gia vị quyện phần thịt thêm đậm đà bấy nhiêu. Qua mỗi vùng miền, khâu nhục chế biến khác nhau một chút, điểm chung: thịt thật mềm, béo ngậy, thơm ngon.
Gã nhắc thằng nhóc:
- Nhóc nhớ ghi kĩ bí quyết phải chọn nguyên liệu ngon, nêm gia vị phù hợp, làm kĩ từng khâu chế biến. Ngậy không ngán, phụ thuộc khâu chọn thịt. Thịt ba chỉ lợn khoảng một trăm cân[7] là vừa, mua thịt ba chỉ ngon, lượng mỡ - nạc cân bằng nhau, nhiều mỡ chút cũng có thể du di, quá béo ảnh hưởng hương vị.
Gã co bắp tay khoe cơ cuồn cuộn:
- Thịt săn chắc, các thớ nạc mỡ xếp xen kẽ, tránh mua thịt long hay bạc nhạc. Người kinh nghiệm bỏ qua thịt quá nạc, miếng thịt ba chỉ lượng nạc mỡ không đều sẽ thành bầy nhầy. Thường chọn thịt lợn nuôi lâu ngày, da dày, thịt lợn mường càng tốt. Khoảng nửa cân thịt làm một bát, ước lượng mỗi bát tám miếng, đủ bốn người ăn.
Gã tợp ngụm trà mát họng rồi nói tiếp:
- Món ngon là không vỡ nát, màu đẹp, thịt ngọt mềm ngấm vị khoai lang, đậm đà, lớp bì vàng rộm ngon mắt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Khâu nhục ăn với cơm, xôi trắng, phở và các loại rau trong bữa sáng hoặc bữa chính đều ngon. Ngon nhất là ăn kèm bánh gật gù ở lộ Hải Đông[8].
Khách ngớ người hỏi bánh gật gù đâu, Phản Thịt Lợn cười nói hết nguyên liệu làm bánh. Đám khách ồ lên tiếc rẻ.
Mất cơ hội thưởng thức món ngon, thằng nhóc chóp chép miệng thèm thuồng, thọc tay vào túi rút thêm những trang giấy đục sẵn lỗ gần rìa mép, hý hoáy ghi mọi thứ liên quan khâu nhục.
Chép nắn nót từng chữ, nó đặt quyển sách lên đùi. Xỏ qua phần gáy có hàng lỗ gắn khoen bạc là sợi dây màu vàng kim.
Nó cẩn thận tháo dây, ghép hai trang chép khâu nhục vào phần ẩm thực. Chỗ ngồi chật chội khó xoay sở, nó nhờ ông thầy cầm sách để luồn dây qua khoen, thắt nút như cũ. Gã thanh niên ngồi cạnh nhòm sách:
- Nhóc viết điệu múa trống bồng luôn à?
Nó lắc đầu nguầy nguậy:
- Tác giả vũ khúc cổ lục viết điệu múa đó. Em chép thêm thứ mình thấy thôi. Cái gì quá khó tả, em nhờ thầy tả.
Khách lần lượt hỏi mượn sách. Trầm trồ thán phục, đọc lướt đến đoạn múa trống bồng bỗng cười lớn:
- Múa Trống Bồng còn mang tên "con đĩ đánh bồng" là cách gọi đậm chất dân gian, hàm nghĩa yêu quý, vui đùa dân dã, không hề dung tục như một số người hiểu. Tên gọi miêu tả đặc điểm điệu múa. Rất lẳng lơ, rất vui, các cụ thường có câu thành ngữ: "lẳng lơ như đĩ đánh bồng" ám chỉ điệu bộ người múa.
Gã thanh niên cười trêu:
- Sao nhóc không nói cho bọn chúng?
Nó ngô nghê hỏi:
- Ơ con đĩ với lẳng lơ là sao hả các cô các chú? Cháu không hiểu nên đâu dám nói.
Nó ngơ ngác trông người ta cười chảy nước mắt. Đợi mãi chẳng ai trả lời, nó hỏi thầy. Ông lão muốn tránh nói chuyện tế nhị, thằng nhóc khó hiểu điều gì sẽ tìm đáp án bằng mọi giá. Người thầy trả lời qua loa:
- À, câu đó nói cho vui thôi.
Có người ém miệng cười khiến nó bán tín bán nghi. Ông lão không muốn nói dối nên nhất thời lúng túng. Học trò ngây thơ, người thầy lại nghiêm túc thái quá, Thiết Nam bèn giải thích thay:
- Bố Cái Đại Vương giết hổ cứu dân, đánh giặc cứu nước. Người tốt như ngài không thể đặt tên gọi mang nghĩa xấu xa. Con đĩ và lẳng lơ mang nghĩa như trong sách ghi.
Nó cười toe toét tán đồng câu trả lời hợp lý. Đề phòng thằng nhóc hỏi chuyện khó nói, Thiết Nam lấy cớ hóng mát bế nó ra ngoài lều. Đi qua ông lão, Thiết Nam khẽ cười đáp lễ cái gật đầu đa tạ từ người thầy đáng kính. Hắn muốn nó quên hẳn nên hô to:
- Na đu dây sắp xuống núi kìa!
Chú thích
Nhắc đến húng lìu thường hay nhầm tưởng cây rau húng, một loại rau ăn kèm không thể thiếu trong các món ăn quen thuộc của người Việt như tiết canh, lòng lợn, phở, thịt gà.
Chính xác thì húng lìu là thứ bột thơm dùng làm gia vị cũng như gia vị ngũ hương thường dùng để nấu ăn, ngũ vị hương có năm vị, húng lìu thông thường có bốn vị: quế, hồi, thảo quả, đinh hương.
Bốn vị này đem rang vàng tán nhỏ trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, có thể chia tỷ lệ các vị trước rồi mới tán, có thể tán xong rồi mới trộn sau, tùy cách pha chế của từng người.
Húng lìu là gia vị mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông, hòa quyện khéo léo giữa triết lý Âm Dương in sâu trong văn hóa Việt, phản chiếu chính xác các cung bậc tình cảm con người.
Có thể nói tại Việt Nam húng lìu sử dụng rộng rãi trong các món ăn, dùng nhiều trong các món thịt béo như thịt lợn kho tàu, vịt nướng, bò kho.
Ngoài ra còn rất được ưa chuộng trong các món rau xào và hải sản. Không chỉ mang lại hương vị thơm ngon đặc trưng cho từng món ăn, húng lìu còn là gia vị chứa rất nhiều thành phần có tác dụng chữa bệnh.
https://www.facebook.com/notes/tieuxa-tinh/gia-vị-húng-lìu/982446761787075/
Bí quyết tạo ra xì dầu được người Trung Quốc phát hiện vào thời Tây Hán, cách đây hơn 2000 năm trước và được xem là thực phẩm tốt vì được chế biến từ đậu tương.
https://davitrans.com/xi-dau-trung-quoc-690.htm
Link lịch sử xì dầu tức nước tương tiếng Trung
https://www.cdstm.cn/gallery/media/mkjx/spysh/201301/t20130125_322419.html
Chao hay đậu phụ nhự (tiếng Trung Quốc: 豆腐乳 - đậu hũ nhũ) là loại đậu phụ lên men, một món ăn của ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc) và Việt Nam.
Ở Việt Nam, chao phổ biến hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhiều người cảm thấy sản phẩm này có vị thơm ngon, béo ngậy, đặc trưng, kích thích ăn ngon miệng. Nó còn được nhắc đến là "phô mai Châu Á" vì nó có lớp mốc bên ngoài béo như phô mai.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chao
Nấm mèo hay mộc nhĩ đen (danh pháp khoa học: Auricularia auricula-judae) được biết đến do hình dạng giống tai người, có màu nâu sẫm đến đen, mọc trên các thân cây mục. Nó có kết cấu tựa cao su, tương đối cứng và giòn.
Loài này được sử dụng trong ẩm thực Châu Á. Tại Trung Quốc, nó gọi là 木耳 (pinyin: mù ěr -mộc nhĩ) hay 黑木耳 (pinyin: hēi mù ěr-hắc mộc nhĩ), tiếng Nhật là kikurage. Auricularia polytricha, một loài có quan hệ họ hàng gần, sử dụng trong ẩm thực Châu Á.
Mộc nhĩ trắng là loài nấm ăn được khác, có màu trắng và hình dạng tương tự, là một loài khác với danh pháp khoa học Tremella fuciformis.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nấm_mèo
http://soha.vn/nam-meo.html
Hai canh giờ bằng bốn tiếng ngày nay.
http://vforum.vn/diendan/showthread.php?38045-Cach-tinh-gio-theo-canh-cua-cac-cu-ngay-xua
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hệ_đo_lường_cổ_Trung_Hoa
Hạt tiêu rừng bé tẹo có thể dùng để ăn tươi.
http://danviet.vn/nha-nong/300000-dong-kg-hat-tieu-rung-thom-cay-ngot-nhe-671438.html
Về món thịt khâu nhục, cách nấu nướng, cách ăn và mùi vị của món ăn là tổng hợp từ các trang nấu ăn. Tham khảo những bài viết đó rồi viết theo ý tác giả, có một số đoạn trích dẫnnguyên từ các trang đó để cho cảm nhận chân thực hơn.
Một trăm cân thời cổ bằng khoảng 60 cân thời nay.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=578133989053524&set=a.127065397493721.1073741835.100005707833538&type=3&theater
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hệ_đo_lường_cổ_Việt_Nam#Kh.E1.BB.91i_l.C6.B0.E1.BB.A3ng
Đầu thời Trần đổi hai mươi tưlộ thời Lý thành mười hai lộ, trong đó có lộ Hải Đông. Cuối thời Trần, lộ Hải Đông tương đương một phần Quảng Ninh hiện nay, gồm châu Yên Bang có 8 huyện:
An Bang (Hoành Bồ hiện nay)
An Lập (một phần Yên Hưng hiện nay)
An Hưng (một phần Yên Hưng hiện nay)
Tân An (nửa Tây tỉnh Hải Ninh cũ, tức khu vực Móng Cái, Tiên Yên hiện nay)
Chi Phong, Đại Độc (đảo Cái Bầu hiện nay)
Vạn Ninh (phần Đông tỉnh Hải Ninh cũ, tức phía Đông Móng Cái và Tiên Yên với một phần Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay)
Vân Đồn (Vân Đồn hiện nay).
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hành_chính_Đại_Việt_thời_Trần#L.E1.BB.99_H.E1.BA.A3i_.C4.90.C3.B4ng