Chereads / Loạn Thế Hùng Ca / Chapter 7 - Thể diện

Chapter 7 - Thể diện

Chương 7

 

Thể diện

 

Cờ bạc vô tù, đĩ điếm vô trại. Loạn yên, tiền về túi. Hết chuyện để hóng, dân bản lục tục về chợ phiên, buôn bán hầu như theo nếp cũ. Nhưng năm nay chia hai khu vực, dãy hàng quán và lều phủ kín bên trái. 

 

Bên phải là nhóm người tụ tập dưới nắng gay gắt, các chủ hàng trải thảm xuống đất, bày đồ đợi khách. Khách chả thèm ngó ngàng mà sang hàng quán có mái che. Kẻ thích gây sự ló mặt mỉa mai:

 

- Bắt khách đội nắng dầm mưa, hàng hóa bày dưới đất bán cho kiến à?

 

Mặc mọi lời xỉa xói, mặc mọi con mắt coi mình là vật thể lạ, họ lẳng lặng hòa tấu khúc nhạc du dương theo giai điệu sli trầm bổng:

 

Bạn bè ơi, ơi bạn bè

 

Đầu xuân năm mới có gì vui chăng?

 

Xin người chia sẻ tâm tình

 

Nhớ ngày xưa cũ, ta cùng hòa ca

 

Thân nhau mấy núi cũng trèo

 

Không còn duyên cũ, xin vẹn nghĩa xưa!

 

Đông tàn trăng lạnh ba thu

 

Người ơi còn nhớ nghĩa tình năm nao?

 

Ta cầm bầu rượu nồng say

 

Mình cùng lội suối băng đèo gặp nhau

 

Sao nay giáp mặt cách lòng

 

Như dưng nước lã cho mình mà thôi

 

Chỉ xin bày tỏ đôi lời

 

Nay vui hội mới, mong đừng quên xưa!

 

Lời ca chân thành không thể lay động mọi du khách. Kẻ bùi ngùi luyến tiếc một thời xưa cũ đều sợ bị chế giễu là loại thích cụng ly với kiến, ăn bẩn để sống dai.

 

Bao năm nay, kẻ yêu văn hóa truyền thống nhớ quay quắt thời người người, nhà nhà túm năm tụm ba chọn cái này, lựa cái kia dưới tấm thảm trải dọc mặt đất.

 

Thi thoảng bật cười vì vô tình cụng đầu nhau. Hôm nào Ông Tơ Bà Nguyệt thắt dây tơ hồng, chợ phiên vui như mở hội chúc mừng đôi trai gái xa lạ nên duyên vợ chồng.

 

Thời mỗi ngày là một niềm vui không còn nữa. Bao năm nay, đồng cảm với nỗi buồn trầm kha nhưng chẳng ai dám trở về quá khứ. Kẻ hoài cổ và ký ức vui vẻ như đôi uyên ương bị thể diện chia loan rẽ thúy.

 

"Tình lang" coi trọng thể diện từ hai năm trước, khuyết điểm bày hàng dưới đất làm khách nhàm chán, mười người ghé thăm hết tám người sợ ngộ độc. Dân Làng Trên ngồi sát dân Làng Dưới dễ lầm lẫn gây xích mích.

 

Năm lần bảy lượt chèo kéo tranh khách, mua bán nhầm khiến đám chủ hàng gây gổ đánh nhau, khách cổ vũ bạo lực để lao vào hôi của. Bọn côn đồ đó đấm đá kẻ chẳng liên quan.

 

Tình trạnh tồi tệ lặp đi lặp lại buộc quan An Phủ Chánh Sứ lộ Lạng Châu[1] tâu lên triều đình. Lúc đầu, hoàng đế tính khuyên dân chia từng khu riêng biệt. Nhưng sau khi bàn bạc với thái sư, hai người quyết định đấu giá khu họp chợ, ai trả cao nhất sẽ là chủ mười năm. Thời gian này muốn làm gì tùy ý miễn đừng phạm pháp. Người thắng cuộc cho dân thuê giá phải chăng và xếp chỗ buôn bán hợp lý.

Xưa nay thương nhân coi thường Lạng Châu ra mặt, không ai thèm đến. Hoàng đế chọn tổ chức đại hội võ thuật ở đây. Triều đình cử nhân tài vật lực trùng tu thắng cảnh di tích, phá đá xuyên khe, khơi sông đắp suối để dựng xây biệt viện nơi rừng núi đại ngàn. Vượt muôn trùng gian khổ, quân dân biến Lạng Châu hoang sơ thành tiên nữ miền sơn cước.

 

Du khách khắp nơi lũ lượt tìm về, thu hút "bầy cáo già" như hương hoa quyến rũ ong mật. Nghèo hèn ma chẳng thèm ngó, phú quý lắm người xun xoe. Hoàng đế lệnh đấu giá, con buôn lao vào cuộc đua kim tiền tưởng chừng không có hồi kết. Nguyễn Yên Vân - chủ nhân Kim Tinh Các chiến thắng bằng một ngàn lượng vàng ròng.

 

Hai năm sau, Lạng Châu mọc lên dãy liên hoàn nhà trọ kết hợp tửu lâu. Những hạng mục không thua kém công tượng[2] tương tự ở kinh thành.

Họp chợ phiên, Yên Vân ra giá bốn mươi đồng thuê đất. Một tháng trung bình dân kiếm được khoảng ba trăm đồng, bình thường thuê phải một trăm năm mươi đồng. Lão thương nhân cho thuê còn chưa đến một nửa của nửa giá. Dân chưa hết ngỡ ngàng rẻ bất thường so với giá cũ, Yên Vân sai gia nhân giúp dựng hàng quạt và lều, đóng bàn ghế.

 

Ông ta gợi ý mỗi chủ quán nên buôn một hoặc hai nghề liên quan nhau, đại khái quầy trái cây gần tiệm ẩm thực tiện điểm tâm tráng miệng; người buôn cân bán rổ cạnh quán hoa quả cho khách đỡ mất công tìm.

 

Dân Làng Trên thức thời hưởng ứng bị dân Làng Dưới lên án là lũ mất gốc hám tiền. Đi ngược xu thế ắt thua thiệt, kẻ tôn thờ truyền thống đội nắng tắm mưa chờ khách. Tư tưởng thủ cựu không chịu dung hòa cải cách.

 

Thái sư và triều đình bức bối vấn đề nan giải, điên đầu tìm cách xử lý, may nhờ công Thiết Nam dẹp loạn, gây ấn tượng tốt với dân, Thủ Độ tính tận dụng khả năng quảng giao của tên bao đồng để kết nối mọi người. Thái sư vẫn muốn thử thách năng lực hắn, ông già than:

 

- Chuyện nhỏ nhưng liên quan vận mệnh quốc gia. Lạng Châu là quan ải biên thùy, hầu hết mọi cuộc xâm lược từ phương Bắc đều hành quân qua xứ này. Dân mất đoàn kết còn xích mích, giặc tấn công, phòng tuyến nguy cơ tan vỡ. Ta đau đầu muốn phát điên cái tính sĩ diện cha truyền con nối này. Thân là thái sư đương triều lại bó tay bất lực, thật mất mặt!

 

Thủ Độ chưa hề lỡ lời nói ra suy nghĩ, nay lại tự trách mình. Vợ biết tỏng chồng giả thần lộng quỷ. Phát mệt sở thích mèo vờn chuột, bà ta dành hết chú ý cho Thiết Nam, háo hức chờ hắn hành động. Ngoài mặt Trần Thị Dung buồn bã cảnh trớ trêu tại chợ phiên, dáng vẻ tiếc rẻ thời xưa cũ giống hệt ông chồng già.

 

Tên bao đồng chẳng đếm xỉa vợ chồng thái sư, hắn chăm chú vào tình hình khóc dở mếu dở. Quan sát từng người cùng từng chi tiết ở chợ. Dân Làng Trên và dân Làng Dưới vô tình thấy đối phương, Làng Trên liền bực mình khó chịu kiểu nói mãi đám đầu đất chả chịu nghe.

 

Mỗi lần như vậy, họ lúi cúi băm hành thái tỏi liên tục. Dân Làng Dưới buồn thiu đám bạn thân từ nhỏ, nay ham tiền biến chất đến mất hết cơ hội giảng hòa.

 

Thiết Nam chép miệng thở phù, mệt mỏi với vô số cơ hội làm lành, khổ nỗi thể diện nhất quyết bắt cạch mặt nhau. Chỉ vì bệnh sĩ, đám khách ngập ngừng muốn vào hàng truyền thống mua đồ, sợ bị chê cười đành lần lượt bỏ đi. 

 

Ngày xưa mẹ đưa Thiết Nam và em gái từ quê nhà ở lộ Bắc Giang[3] đến Lạng Châu. Hồi đó chủ hàng thân thiết giúp đỡ nhau. Bây giờ giận dỗi như trẻ con. Chuyện này là thật, không phải Thủ Độ bày trò. Thiết Nam vẫn giả bộ hỏi:

 

- Thật hay giả thế, thưa thái sư?

 

Ông già bật cười:

 

- Giả mi cho là thật, thật mi lại cho là giả. Mi thông minh thật hay giả thông minh thế?

 

Thiết Nam cười ruồi:

 

- Họ không ngại mất thể diện, họ chỉ cần lý do thôi. Tôi muốn đội múa trống bồng trợ giúp đoàn kết dân bản.

 

Một già một trẻ cư xử một trời một vực, ý lại tương đồng. Thái sư mỉm cười thích cách giải quyết của Thiết Nam, ông già nhăn mặt chau mày:

 

- Mi đòi đột ngột thế, ta đào đâu ra đội múa trống bồng cho mi. Lạng Châu có đội múa bồng nhưng họ chỉ biết múa, không biết diễn với mi.

 

Thiết Nam cười nhạt:

 

- Thái sư thật thích đùa dai, mỗi người lính Đại Việt sáng múa đao, chiều múa kiếm, tối múa trống bồng.

 

Thủ Độ cười, lệnh Trung Hiếu đi gọi đám lính. Thiết Nam liền nhắc:

 

- Có lẽ không cần đâu, Yên Vân sắp cho đội trống bồng xuất hiện rồi.

 

Yên Vân dâng một phần lớn tài sản tặng triều đình, cho thuê đất giá rẻ, dạy dân buôn bán, ông ta chắc chắn giải quyết xích mích bằng mọi cách, triều đình mới thiện cảm với ông chủ Kim Tinh Các. Yên Vân đang lát gạch trên đường đến nấc thang danh vọng vũ đài chính trị.

 

Đạo tương đồng, đồng tương vi mưu, thái sư và Thiết Nam tìm ra biện pháp tối ưu, khó có chuyện già đời lọc lõi như Yên Vân bó tay chịu thua.

 

Đối với Thủ Độ, mọi thứ phải hoàn hảo, chẳng có chuyện nào tuyệt đối chính xác, kẻ khôn ngoan phải tính phương án dự phòng. Thái sư lệnh Trung Hiếu đi bảo lính mua trang phục múa trống bồng, dặn tùy cơ ứng biến.

 

Thiết Nam tới nơi cần kẻ bao đồng. Nãy hắn náo loạn, người người hóng chuyện, không ai thấy hắn hôi hám, bình yên rồi cả đám nhăn nhó bịt mũi tránh xa.

 

Thiết Nam tặc lưỡi cởi áo đến quán trà, toàn bộ nhướng mày trông vô số vệt lằn giống vết roi hằn trên cơ thể hắn, trố mắt nhòm hắn múc nước rửa bớt mùi động vật trên người.

 

Thái sư cười lớn giúp hắn trả tiền, chủ quán trà đâu dám lấy, Thủ Độ vừa ép bà già nhận tiền, vừa ngó Thiết Nam. Hắn dội thẳng gáo nước từ đầu xuống chân.

 

Mọi người tủm tỉm nhòm gã trai trẻ tự nhiên hơn ruồi, âm thanh to nhỏ bắt đầu xì xào bàn tán. Hắn mặc kệ tiếng khúc khích, lơ luôn tràng cười rộ của kẻ đến chợ phiên. Chúng mỉa mai:

 

- Thằng rừng rú này ở đâu chui ra thế?

 

- Động khỉ!

 

Thiết Nam thản nhiên lau người, thay áo, nhặt trống cơm[4] ở quán bán nhạc cụ. Trần Thị Dung trả tiền và xem Thiết Nam đeo trống ngang bụng. Hắn hỏi:

 

- Ai có cơm nóng cho tôi xin một ít?

 

Một bà lão đưa cơm cho hắn. Thiết Nam đa tạ rồi trét cơm vào giữa nhạc cụ để định âm. Trống cơm này vang nhưng không ngân lại u sầu hơn tiếng đàn hồ.

Đám mới đến chợ phiên chưa lâu, đương đánh chén vui vẻ bị mất hứng bèn chửi thề. Bọn đi cùng chúng té nước theo mưa mỉa Thiết Nam.

 

Ngó lơ mọi khiêu khích, hắn thay tiết tấu bằng kỹ thuật đánh chập, tay phải bịt mặt kim, tay trái vỗ mặt thổ biến ảo thanh âm lúc hân hoan như tri kỷ tương phùng, khi sâu lắng tựa nỗi buồn giã biệt… ru hồn người nghe về quá khứ xa xăm. Đám người vẫn giữ khư khư thể diện.

 

Liếc đối tượng ngập ngừng chen háo hức, Thiết Nam hiểu họ còn chờ hắn khuấy động không khí. Hắn cười khùng khục. Dân Làng Dưới nhíu mày quay lại liền thấy hắn vui hơn trẩy hội, tươi cười bưng thổ vỗ kim chuyển âm điệu vút cao theo khúc hát đồng dao: 

 

Mày ở Xóm Trên, tao ở Xóm Dưới[5]

 

Mày con ông Đoàn, tao con bà Kết

 

Mày là cái Cả, tao là thằng Hai

 

Mày tắm nước sông, tao gội nước giếng

 

Mày lên kẻ chợ[6], tao về nhà quê

 

Mày đội bồ đài[7], tao trùm khăn thao

 

Mày đi buôn cậy[8], tao đi bán hồng

 

Mày quây màn trướng, tao dầm nắng mưa

 

Mày theo thời thế, tao theo nếp xưa

 

Mày chẳng theo tao, tao không theo mày

 

Mày về miền xuôi, tao về bản núi

 

Mày đi lấy chồng, tao đi lấy vợ

 

Tao mày xa cách, mỗi đứa một phương

 

Mày nhớ thơ ấu, tao hoài niệm xưa

 

Mày cưỡi lưng trâu, tao chăn con nghé

 

Mày tao chí tớ, thời mình tắm mưa!

 

Dân Làng Dưới hào hứng đệm đàn tấu nhạc cho lời ca dân dã. Du khách lia mắt chờ nhau. Dân Làng Dưới lắc đầu thở dài, thất vọng kẻ không dám sống thật bao nhiêu, họ ngạc nhiên với Thiết Nam bấy nhiêu.

 

Tận lúc nản lòng nhất, hắn kiên trì biến âm chuyển khúc nghiêng bên Đông, ngả bên Tây mời gọi tất cả chung vui. Chốc chốc hắn lại nhảy vòng quanh quan sát tựa mong chờ điều gì đó.

 

- Chàng vẫn đợi thiếp sao?

 

Giọng nam trầm nói thành eo éo va vào tiếng trống đằng xa. Chủ nhân thanh âm vui tai là đám trai tráng khôi ngô tuấn tú đánh phấn tô son, đầu chít khăn mỏ quạ màu đỏ, mặc quần trắng cùng áo tứ thân mớ ba mớ bảy, bên ngoài khoác yếm thêu hoa văn sặc sỡ.

 

Những anh chàng giả gái còn diện váy đụp đen đính tua rủ ngũ sắc diêm dúa. Ăn mặc cầu kỳ nhưng chẳng ai đi giày mà chỉ mang tất trắng.

 

Những "thiếu nữ" nhập vai ca nương điệu đàng hất vạt áo, thẹn thùng liếc trộm Thiết Nam. Hắn đá mắt đưa tình hát giao duyên với các "cô gái":

 

Noọng ơi, noọng à. Chài điệp noọng![9] (Em ơi, em à. Anh yêu em!)

 

Chài mong chờ noọng bấy lâu!

 

Cớ sao noọng nỡ để chài tủi thân?

 

Các ca nương ngơ ngác nghe Thiết Nam nói giọng người Nùng y hệt dân xứ đó. "Cô" nào cũng nhòm hắn từ trên xuống dưới, khóe môi phớt hồng vén nụ cười tình ý, vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng trước ngực. Cô này vung tay qua mặt trống, bước chéo dài đến gần Thiết Nam:

 

Chài ới, chài à! Noọng điệp chài!

 

Vì noọng phải trốn mẹ cha,

 

Bận chọn áo yếm, bận còn điểm trang!

 

Cô khác giả bộ ghen tuông áp sát vào lưng "tình địch" nhằm xoay người đổi chỗ cho nhau. Âm thanh rộn ràng nhanh thu hút khách khắp nơi, người nọ thấy kẻ kia nói chợ phiên có đàn ông giả gái múa hát, đám đông tò mò tìm đến.

 

Chung quanh râm ran tiếng cười khinh khích xì xầm cô này múa hay hơn, cô kia "lẳng lơ" hơn vạn lần. Tất cả bàn luận rôm rả xem Thiết Nam thể hiện bản lĩnh đàn ông, hắn uốn tay mềm mại thành hình sóng lượn, lắc đều hông nhảy theo tiết tấu rộn ràng.

 

Già trẻ lớn bé phì cười trông Thiết Nam áp ánh mắt đa tình vào khuôn mặt e lệ của ca nương. Hai người ngại ngùng đối lưng rồi mạnh dạn đối mặt ngắm nhau đắm đuối.

 

Đội ca nương quây hắn vào giữa, thay phiên khiêu vũ thành tình nhân yêu nhau thắm thiết. Các cặp múa tay chân sóng đôi nhảy dưới tiếng trống khẩu rập rình cùng thanh la.

 

Vũ khúc đến đoạn cao trào, ca nương già nhất hội khoác tay Thiết Nam lả lướt trên thảm cỏ xanh. Khán giả ôm bụng cười ngặt nghẽo cảnh "trai gái" lả lơi tình tự.

 

Mọi người đương vui vẻ, cổng chợ phiên lại xuất hiện nhóm thanh niên khác, đám này trưng diện trang phục thượng hạng, đầu tóc chải chuốt, dáng vẻ thư sinh. Chúng thấy lạ liền cười sằng sặc:

 

- Đàn ông đi giả làm đàn bà, không biết nhục!

 

- Lũ điên!

 

Giọng nói trẻ con vang lanh lảnh:

 

- Các anh chẳng biết gì cả. Đó là múa trống bồng[10], lưu truyền từ thời Bố Cái Đại Vương[11] đến nay.

 

Nhóm thanh niên bực bội tìm đứa bóc mẽ giữa đám đông, lọt vào mắt là thằng nhóc mặc y phục thổ cẩm, áo mang hoa văn hình trống đồng Lạc Việt trước ngực, quần dệt hình giao long vùng vẫy sông nước, đầu quấn khăn trắng thêu chi chít hình chim Lạc. Nó mở to mắt khó tin đối phương chẳng biết điều đơn giản ấy. Cả bọn sấn tới gây sự:

 

- Thằng ranh miệng còn hôi sữa dám ba hoa.

 

- Tao phải bẻ gãy răng đứa bôi nhọ Tổ tiên.

 

Thằng nhóc chạy từ quán này sang quán khác, móc túi rút sách, lật giở mục múa cổ, đọc rất to:

 

- Vũ khúc cổ lục ghi Bố Cái Đại Vương cho binh sĩ giả gái múa để tăng sĩ khí trước khi xuất quân. Đánh trận mệt mỏi, dễ gây buồn bực. Bố Cái Đại Vương và quan văn khi đóng quân ở làng Triều Khúc[12] nghĩ ra điệu múa này. Các ngài chọn vài quân sĩ dáng nhẹ nhàng thanh thoát, mặc quần áo phụ nữ sặc sỡ, đeo trống bồng trước bụng, thêm cả giàn nhạc gồm trống khẩu và thanh la phụ họa. Các ca nương giả gái lả lướt, bắt chước động tác của phái nữ.

 

Chúng cười khành khạch phản bác:

 

- Ranh con láo toét dám bịa chuyện. Phùng Hưng không biết đi mời dân nữ đến múa à mà phải bắt giả gái? 

 

Nó lật sang trang kế, đọc còn to hơn trước:

 

- Lý do không để nữ múa vì Bố Cái Đại Vương không muốn phiền nhiễu dân và e bị hiểu lầm, ngài bèn cho lính giả gái. Sau này múa trống bồng không thể thiếu ở lễ hội làng Triều Khúc. Người xưa cấm tất cả phụ nữ vào khu vực đình làng, họ cho rằng phụ nữ vào đình làng sẽ "gây ô uế chốn linh thiêng" nên đe dọa phụ nữ nào vi phạm sẽ bị bắt phạt. Một phần vì lưu giữ tục lệ xưa, một phần vì các cụ không muốn con gái lấy chồng nơi xa làm "thất thoát" điệu múa cổ. Cấm phái nữ múa trước sân đình và trước mặt thánh, bất đắc dĩ trai đành đóng giả gái. Không phải người con trai nào cũng có thể vào đội múa. Thanh niên chưa vợ, khôi ngô tuấn tú, con nhà tử tế, hiếu đễ, đạo đức, hiền lành, mọi người quý mến, bản thân không tì vết, gia đình không có tang mới được chấm chọn. Hoặc đàn ông có đủ "nếp tẻ" tức sinh cả con trai lẫn con gái, đạo đức, không mắc việc tang. Nếu có tang, ba năm sau mới tiếp tục tham gia.

 

Thằng nhóc đọc xong lắc đầu trề môi nói:

 

- Xấu tính như các anh còn lâu mới được chọn nhá!

 

Tiếng lục khục quanh đó bật thành tiếng cười rần trời. Thiết Nam cười rất to:

 

- Ha ha... Nói có sách, mách có chứng. Nhóc là tâm điểm chợ phiên hôm nay đó!

 

Bọn thất học bị làm nhục bằng sách thì hoá rồ lao vào đứa trẻ con. Đội lính giả dạng thường dân xông tới tống cổ chúng khỏi chợ. Thằng nhóc cố nói với theo:

 

- Lần sau đừng gọi Tổ tiên bằng tên thật, phạm huý[13] đấy các anh ơi!

 

Nó cất sách vô túi song lại xem múa hát, tầm mắt bị che mất bởi bóng người quen thuộc. Chú nhóc ngước mặt cười trừ với ông lão tóc bạc mặc quần tối màu và áo giao lĩnh. Ông nghiêm nghị nhìn nó. Ông lão bế xốc lên vai. Thằng bé vội nài nỉ:

 

- Con không chạy lung tung nữa đâu. Thầy cho con xem hết đi!

 

Ông lão thấy nó háo hức đành chiều ý. Chú nhóc thích chí ngoái đầu coi Thiết Nam nhảy múa. Nó nhảy lên nhảy xuống trên vai ông thầy, lắc lư cơ thể mấy lần suýt ngã.

 

Ông lão định nhắc nhở nhưng thấy nó sảng khoái cười lanh lảnh với Thiết Nam, nhiệt tình vỗ tay theo nhịp trống cơm, người thầy không nỡ để thằng bé yêu văn hóa dân tộc mất hứng, ông bèn giữ chắc chân cho nó hò hú, cổ vũ đội múa bồng.

 

Toàn trường bật vang tiếng cười phấn khích, hào hứng xem Thiết Nam liên tiếp đập hai tay lên cao, vỗ trống tạo âm điệu ngân vang:

 

"Noọng ới, chài slương điệp noọng lai!" (Em ơi, anh yêu em nhiều lắm!)

 

Thiết Nam ngả người ra sau hò hú vang động bốn bề, thổi bùng đam mê trong lòng du khách, tất cả ùa vào nhập hội, kẻ khoác vai ca nương uyển chuyển nhảy múa, kẻ đối lưng giáp mặt ca hát cùng hắn.

 

Dân Làng Trên thản nhiên chặt thịt xào nấu. Dân Làng Dưới không muốn phụ công sức của hắn, bèn chủ động bắt chuyện dân Làng Trên. Dân Làng Dưới chịu nhún nhường, dân Làng Trên chặt vụn bệnh thể diện bằng lời thô lỗ:

 

- Chúng tao chỉ biết băm thịt lợn, luộc thịt chó, không biết múa hát!

 

- Nhảy cái gì mà nhảy, mất thời gian vô ích!

 

Dân Làng Trên chùi tay dính vụn thịt, ra rao hàng giúp dân Làng Dưới:

 

- Mua đi bà con, măng sặt[14] tươi ngon mới hái trên rừng đây! 

 

- Na đu dây[15], thơm, ngon, bổ, rẻ đây!

 

Dân Làng Trên đánh trống khua chiêng mời hết người này tới người khác. Khách tíu tít chọn mua mỗi thứ một ít. Dân Làng Dưới đáp lễ bằng màn đon đả đón khách vô lều quán thưởng thức ẩm thực. Người xào kẻ nướng, khách xì xụp chan húp.

 

Mùi lợn quay mắc mật[16] quấn mùi hải sản tươi sống "nấu" dạ dày Thiết Nam sôi sùng sục. Hương thơm luồn lách khoang mũi đội ca nương, họ xem đầu bếp trộn thịt quay nhẫy mỡ vô bát mỳ sánh đặc nước lủ. Các chủ quán cười khà khà mời vợ chồng thái sư, Thiết Nam và các ca nương vào bàn tiệc:

 

- Các vị không cần khách sáo!

 

Chú thích

 

An Phủ Chánh Sứ là chức quan đứng đầu một lộ thời Trần. Lạng Châu tức Lạng Sơn ngày nay. Địa danh Lạng Châu hay còn gọi Châu Lạng có từ thời Lý. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 tức năm 1242, Trần Thái Tông đổi đất nước thành mười hai lộ thay vì hai mươi tư lộ như trước đây, nhưng riêng Xứ Lạng vẫn giữ nguyên là lộ Lạng Châu. 

 

Đặt chức An Phủ, Trấn Phủ, có hai viên chánh, phó để cai trị. Cuối đời Trần, Lạng Châu nằm trong lộ Lạng Giang tương đương một phần tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Lạng Sơn ngày nay, gồm ba châu. Lộ trực tiếp quản lý năm huyện:

 

Long Nhãn (một phần Lạng Giang hiện nay)

 

Cổ Dũng (Yên Dũng hiện nay)

 

Phượng Sơn (một phần Lạng Giang tức Bắc Giang hiện nay)

 

Na Ngạn (Lục Ngạn hiện nay)

 

Lục Na (một phần Lục Ngạn hiện nay)

 

Ba châu gồm:

 

Châu Lạng Giang gồm 4 huyện:

 

Yên Thế (Yên Thế hiện nay)

 

Yên Ninh (một phần Lạng Giang hiện nay)

 

Cổ Lũng (Hữu Lũng thuộc Lạng Sơn hiện nay)

 

Bảo Lộc (Lạng Giang hiện nay).

 

Châu Nam Sách gồm 3 huyện:

 

Thanh Lâm (Nam Sách hiện nay), Chí Linh (Chí Linh hiện nay)

 

Bình Hà (Kiến Thụy và Tiên Lãng thuộc Hải Phòng hiện nay)

 

Châu Thượng Hồng gồm 3 huyện: Đường Hào (Mỹ Hào hiện nay), Đường An (Bình Giang hiện nay), Đa Cẩm (Cẩm Giàng hiện nay)

 

Địa danh Lạng Châu được đặt tên cho bài thơ:

 

Lạng Châu vãn cảnh của Trần Nhân Tông

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_Trần

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Hành_chính_Đại_Việt_thời_Trần

 

http://www.langson.gov.vn/node/44468

 

http://lce.edu.vn/vi/news/Tin-tuc-Su-kien-45/185-nam-thanh-lap-tinh-Lang-Son-4-11-1831-4-11-2016-lich-su-va-doi-dieu-cam-nhan-634.html

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Y%C3%AAn_D%C5%A9ng

 

Tức kiến trúc.

 

Tương đương Bắc Ninh và một phần Hà Nội, Bắc Giang ngày nay, gồm có ba châu, lộ trực tiếp quản lý hai huyện Siêu Loại và Gia Lâm. Ba châu gồm:

 

Châu Gia Lâm gồm ba huyện: An Định (Gia Bình hiện nay), Tế Giang (Văn Giang hiện nay), Thiện Tài (Lương Tài hiện nay).

 

Châu Vũ Ninh gồm năm huyện: Tiên Du (Tiên Du hiện nay), Vũ Ninh (Võ Giàng hiện nay), Đông Ngàn (Từ Sơn và một phần Sóc Sơn thuộc Hà Nội hiện nay), Từ Sơn (Quế Võ hiện nay), Yên Phong (Yên Phong hiện nay)

 

Châu Bắc Giang gồm ba huyện Tân Phúc (Đa Phúc cũ, một phần Sóc Sơn hiện nay), Phật Thệ (Hiệp Hòa thuộc Bắc Giang hiện nay), Yên Việt (Việt Yên hiện nay).

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Trống_cơm

 

Bài hát này lấy một số câu trong bài: "Cái áo mặc áo em tao". Theo như link nguồn bên dưới, bài đồng dao này có từ thời cổ đại, tác giả: Khuyết danh Việt Nam.

 

http://www.thivien.net/printpoem.php?UID=0HJGkZhffJbfA17aDAUOmw

 

Kẻ chợ tức nơi đô hội.

 

Bồ đài là cái mo cau dùng để múc nước.

 

Cậy là thứ cây như cây hồng, quả nhỏ, có nhựa dùng để phất quạt. (chú thích [5, 6, 7] lấy trong link bài đồng dao trên).

 

Link nguồn tiếng Nùng

 

https://www.ohay.tv/view/6-cach-noi-anh-yeu-em-em-yeu-anh-bang-tieng-dan-toc/7PLMB

 

Link nguồn múa Trống Bồng

 

https://www.facebook.com/Loanthehungca/photos/a.888400991316177.1073741829.661720967317515/895993657223577/?type=3&theater

 

https://www.phunuonline.com.vn/doc-dao-dieu-mua-con-di-danh-bong-cua-lang-trieu-khuc-a1484021.html#:~:text=Theo%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20Tri%E1%BB%87u%20%C4%90%C3%ACnh,%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20tuy%E1%BB%83n%20ch%E1%BB%8Dn%20k%C4%A9%20c%C3%A0ng.

 

https://baophapluat.vn/dinh-lang-sat-nguoi-o-ban-noi-bay-post185751.html#:~:text=Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20x%C6%B0a%20c%E1%BA%A5m%20t%E1%BA%A5t%20c%E1%BA%A3,ph%E1%BA%A1m%20s%E1%BA%BD%20b%E1%BB%8B%20b%E1%BA%AFt%20ph%E1%BA%A1t.

 

https://nhandan.vn/ngan-nam-dieu-mua-trong-bong-post345253.html

 

Thân thế sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương

 

https://www.facebook.com/Loanthehungca/photos/a.888400991316177.1073741829.661720967317515/895766087246334/?type=3&theater

 

Làng Triều Khúc thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì -Hà Nội ngày nay.

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Húy_kỵ

 

Kỵ húy hay kiêng húy (đôi khi gọi là húy kỵ hoặc tị húy) là cách viết hay đọc trại một từ nào đó do bị kiêng kỵ trong ngôn ngữ văn tự xã hội tại các nước quân chủ chuyên chế trong khu vực văn hóa chữ Hán.

 

Theo luật, phạm vi quốc gia, mọi thần dân kiêng kị tên húy của vua, không được phép dùng để đặt tên cho con cái trong gia đình, không được phép dùng trong văn tự hay trong lời nói hàng ngày.

 

Phạm vi gia đình, do truyền thống văn hóa, con cái có thể kiêng gọi tên thật ông bà Tổ tiên. Đời sống xã hội, có thể do mê tín dị đoan mà người dân tránh dùng chữ nào đó.

 

Kỵ húy có nguồn gốc từ Trung Quốc từ rất lâu và ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực văn hóa chữ Hán.

 

Măng sặt là măng rừng ở núi Mẫu Sơn (Lộc Bình -Lạng Sơn) chủ yếu là măng tre khoang lài, sặt. Tre khoang lài, sặt có thân nhỏ, chịu nắng hạn tốt, mọc cheo leo trên sườn núi.

 

Mùa hè, nắng nóng như thiêu đốt, thân tre gầy rạc, lá úa vàng xơ xác, nhưng chỉ cần trận mưa là um tùm xanh tươi. 

 

Khi những cơn mưa xuân kéo dài nhiều ngày thấm ướt cánh rừng, những thân tre già cựa mình uống nhựa đất mà nảy những chồi măng nhú lên đầy sức sống. 

 

http://danviet.vn/que-nha/mua-mang-rung-xu-lang-185879.html

 

Bài viết về na đu dây

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1863386993817567&set=a.1804365246386409

 

Mắc mật, móc mật, mác mật, còn gọi hồng bì núi hay củ khỉ, dương tùng (danh pháp hai phần: Clausena indica) là loài thực vật có hoa thuộc họ cửu lý hương. Từ "mắc mật"là tiếng Tày-Nùng và có thể dịch thành "quả ngọt".

 

Cây mắc mật là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 3m đến 7m, thường mọc trên núi đá vôi. Cây ra hoa tháng 3 đến tháng 6, đậu quả vào tháng 7 đến tháng 9.

 

Quả và lá non dùng làm gia vị, lá và rễ được dùng trong Đông y, lá cây dùng để cất tinh dầu. 

 

Cây mắc mật ít bị sâu bệnh, nếu trồng bằng hạt đến năm thứ 5 hay thứ 6 thì bắt đầu bói quả, nếu trồng từ cây ghép đến năm thứ 2-3 sẽ bắt đầu cho quả.

 

Tại Việt Nam cây chủ yếu phân bố ở vùng núi Đông Bắc Bộ như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, cây trồng ở các khu vực tỉnh khác thường rất khó sống hoặc nếu cây sống cũng không có quả, không có mùi thơm đặc trưng như tại quê hương loài cây này, hay rất có thể lá đắng không dùng để chế biến món ăn được.

 

Quả mắc mật có thể ăn tươi khi chín vàng, hoặc làm gia vị chế biến một số món ăn của người Tày, ngoài ra quả mắc mật còn dùng để ngâm măng ớt, lá mắc mật có mùi thơm đặc trưng nên thường được dùng trong các món ăn của người dân tộc Tày, Nùng như các món: 

 

Thịt nướng, thịt kho hay người Việt Nam thường được biết đến nhất là món vịt quay, lợn quay nổi tiếng của Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn không thể không có thứ gia vị đặc trưng riêng này.

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Mắc_mật