Chereads / Loạn Thế Hùng Ca / Chapter 3 - Cờ bạc và đĩ điếm

Chapter 3 - Cờ bạc và đĩ điếm

Chương 3

 

Cờ bạc và đĩ điếm

 

Thời tiết xưa nay vốn bất thường, sáng còn mát mẻ thoáng đãng đến trưa bỗng mưa xối xả. Nắng mưa là chuyện của trời, muôn loài ở Lạng Châu chửi rủa Thượng Đế "ban thưởng" hiện tượng quái lạ: cuối tháng sáu ban ngày nóng hầm hập, đêm trở lạnh như mùa đông.

 

Nửa tháng nay lặp đi lặp lại khí trời điên rồ. Hễ đến giờ Ngọ, Lạng Châu bị quả cầu lửa đỏ rực thiêu đốt, nóng nực ép vạn vật ngạt thở. Con người lẫn động vật hết dám ló mặt ra đường. Dân chúng nằm nhà, muôn thú chen chúc chui vô hang động.

 

Loài vật dưới đất khổ sở vì nóng, đám voọc đen má trắng sống trên dãy núi đá vôi còn thảm hơn, cả đàn nhảy loạn bám mỏm đá lởm chởm bò xuống đất.

 

Nóng ung đầu óc làm chúng chẳng thèm ngó đám đông uể oải lê từng bước nặng nhọc. Ai nấy thở dốc, kẻ rút khăn lau mồ hôi ướt đẫm da mặt ửng đỏ, kẻ tu nước ừng ực và dội lên đầu. Nhiều người dừng chân nghỉ ngơi dưỡng sức rồi đi tiếp.

 

Mọi hạng người ở khắp nơi về đây dự đại hội võ thuật. Lần đầu triều đình lập đại hội tuyển chọn nhân tài. Hoàng đế muốn tổ chức tại Thăng Long, Trần Thủ Độ khuyên chuyển sang Mẫu Sơn thuộc lộ Lạng Châu.

 

Quan dân khó hiểu mệnh lệnh lạ lùng. Vùng biên viễn này bất tiện trăm bề. Đường thuỷ nằm trong mê cung kênh rạch đan chéo chằng chịt. Đường bộ ngoằn ngoèo như đàn rắn độc trườn quanh dãy núi đá tai mèo dựng đứng bên vực sâu vạn trượng.

 

Bao bọc bốn bề là những cánh rừng nguyên sinh âm u khói sương mờ mịt. Xứ khỉ ho cò gáy này không thể bằng kinh thành hoa lệ. Thời gian gần đây không khí lại quái dị.

 

Mặc thời tiết khắc nghiệt, tất cả vượt mọi trở ngại đến với mục đích riêng. Dân muốn chứng kiến anh hào trổ tài, tao nhân mặc khách tìm cảm hứng thi ca; thương nhân hy vọng mở rộng địa bàn buôn bán.

 

Mấy ngày nay nghe đồn vua làm giám mục chấm thi khiến họ quyết tâm đến Lạng Châu. Dọc đường có kẻ sảy chân ngã xuống vực chết mất xác, biển người vẫn vượt sông, xuyên núi, băng rừng đổ về Xứ Lạng. Ngựa xe rong ruổi trên mọi nẻo đường, thuyền bè lướt sóng dưới sông, mỗi kẻ chọn một cách di chuyển.

 

Riêng Thiết Nam chẳng có gì, tiền dành dụm buôn bán thảo dược ngày xưa, hắn dành một số cho ăn uống dọc đường, một số cứu giúp dân lành nghèo khổ, số còn lại hắn tính mua một con ngựa, nhưng bị rơi xuống vực lúc ngã dưới đường bùn trơn trượt.

 

Hắn chép miệng tiếc con ngựa mình cưỡi ngày cứu Ngân Hà. Tối hôm đó, hắn chuẩn bị cùng Ban Lan lên ngựa để về nhà, nó bỗng trở chứng quay đầu phóng như điên và chạy mất hút.

 

Túi không còn đồng nào buộc hắn chạy ngược chạy xuôi xin đi nhờ. Mất nửa ngày mới có đoàn thương nhân cho quá giang nhưng hắn phải bê đồ. Chủ đoàn xe nói:

 

- Chúng tôi đến thung lũng Bắc Sơn, không tới Mẫu Sơn.

 

Mẫu Sơn ở Đông Bắc trong khi Bắc Sơn án ngữ phía Tây lộ Lạng Châu. Đoàn xe hết chỗ trống, Nam bấm bụng nằm chung với gia súc. Mùi hôi thối xông mũi mấy lần ép hắn nuốt ngược thức ăn ban sáng chực trào khỏi cổ họng. Khổ sở gần một tuần[1] mới tới chân thung lũng Bắc Sơn toạ lạc vùng đất hình cánh cung.

 

Nơi đây sương mù bao trùm bốn bề rừng núi mênh mông. Kế bên dải núi trải dài ngút tầm mắt, sừng sững như cột chống trời là những cung đường lắt léo dẫn muông thú về rừng xanh bạt ngàn. Đám vật lò dò tìm lối giật mình nghe tiếng người. Chúng sợ bọn bợm rượu làm thịt bèn trốn vào góc tối. Đoàn thương nhân chỉ lo ra khỏi rừng.

 

Chủ đoàn thở dài ngao ngán, đáng lẽ phải thuê hướng đạo trước khi đến đây, ông ta lại quyết định đến nơi mới thuê để tiết kiệm, ai ngờ đám thương nhân khác thuê hết dân hướng đạo. Ông chủ chỉ còn biết vỗ đầu tự trách mình, chưa biết nên xử lý thế nào, Thiết Nam lên tiếng:

 

- Tôi từng sống ở đây một thời gian, tôi sẽ giúp mọi người tìm đường.

 

Ông chủ mừng rỡ:

 

- Tôi sẽ trả công cho anh.

 

Thiết Nam cảm ơn và dẫn đầu một toán lên phía trước. Khu vực này lổn nhổn sỏi đá, cây rừng mênh mông, xiên vẹo, nghiêng ngả, mọc chen chúc cùng hoa dại cỏ hoang cản lối.

 

Đám Thiết Nam bạt dây leo bụi rậm, di chuyển từng bước. Hắn cảnh báo rắn rết rồi rẽ trái. Theo kẻ hướng đạo hồi lâu, đuốc trên tay mọi người phản chiếu ánh nắng sau rặng phi lao. Đoàn thương nhân nhanh đến nơi.

 

Hai canh giờ lặn ngụp trong rừng, toàn thân ám mùi ẩm mốc, cả đám khoan khoái đón nắng vàng rực rỡ. Chủ thương buôn lệnh mang đồ tới chợ phiên họp gần sát khu rừng. Ông chủ trả tiền công hướng đạo cho Nam và nhắc cẩn thận bọn móc túi trộm cướp:

 

- Tôi nghe nói năm ngoái đông người chen nhau, bọn lưu manh còn liều lĩnh cướp giật. 

 

Thiết Nam nhăn trán hỏi:

 

- Quan binh không bắt được chúng sao?

 

Ông ta lắc đầu chán nản:

 

- Bắt bọn này, đám khác nổi lên như rươi.

 

Ông chủ lệnh gia nhân nhanh chuyển hàng đến điểm tập kết. Nam vác đồ lên vai đi theo kẻ mua mà chuyển vô từng quán. Xưa kia càng vào sâu, chợ càng đông vui huyên náo. Ngày nay, chợ phiên trầm lắng buồn tẻ, âm thanh nhộn nhịp tan biến cùng tiếng cười vô tư, thanh âm duy nhất là tiếng động ở nhà tre.

 

Hắn nhớ trước kia nơi đó chỉ có bãi đất rộng chứ không dựng nhà, người nghèo đến họp chợ ở bãi đất, trải thảm dưới đất để bày hàng. Tuy lót thảm đàng hoàng, Nam vẫn chán cảnh chủ vừa đuổi côn trùng vừa chào mời khách. Hắn biết phong tục tập quán này nhưng không hiểu nổi ý nghĩa. 

 

Ngày xưa hắn cảnh báo nếu còn bảo thủ, sớm muộn chợ rơi vào cảnh đìu hiu, hắn hy vọng dân bỏ tục lệ này hoặc tùy cơ ứng biến. Nay dân bản dựng quán tử tế, nhiều người vẫn kiên trì giữ gìn bản sắc truyền thống. Hắn mừng cho người biết thay đổi để phù hợp thời thế.

 

Người hoài cổ lại không muốn vào quán chăng kín lều bạt. Chốn đường hoàng sạch sẽ đó, người này liếm láp vành đĩa cười hề hề, người nọ vứt đồ ăn thừa tứ tung; kẻ khác chửi đổng chê thực phẩm ươn hôi hòng xù tiền. Đám ăn quỵt chửi nhau với chủ hàng, khách lắc đầu chán ngán bỏ đi.

 

Cãi vã oang oang chưa chấm dứt, ngôn ngữ động vật phun ra trong miệng người đã bôi bẩn tai kẻ đi đường. Một bà mẹ bồng con tránh xa. Con bé ngơ ngác hỏi nguyên nhân cãi cọ. Mẹ tươi cười chỉ đống đồ chơi đằng xa nhằm đánh lạc hướng. Con chạy đến cầm đủ thứ dưới đất lên ngắm, léo nhéo đòi cái nọ cái kia. Mẹ chiều con, như sợ ngày mai chốn quen thuộc này sẽ biến mất. 

 

Niềm vui bình dị ấy gợi nhớ quá khứ ngủ yên trong tâm Thiết Nam. Ngày đó, con cái lẽo đẽo theo mẹ đến chợ chơi. Chúng nghịch ngợm, mè nheo đòi quà, hết cái quậy phá quay sang chê... đồ bẩn. Vẩn vơ hồi tưởng, ký ức năm xưa hiện về hình ảnh hắn hồi nhỏ nhăn nhó với mẹ:

 

- Thức ăn bày dưới đất, ruồi nhặng lại bâu đầy, mẹ mua làm gì? 

 

Bà mẹ mắng:

 

- Văn, mẹ nói bao nhiêu lần con mới hiểu hả, đây là truyền thống của cha ông!

 

Văn lổm bổm nói:

 

- Bẩn như ma, truyền với chả thống?

 

Mẹ lườm nó:

 

- Con còn láo, lần sau mẹ bắt con ở nhà!

 

Văn ương bướng cãi: 

 

- Mẹ mua đồ bẩn cho cái Thị ăn, nó đau bụng ráng chịu.

 

Mẹ xin lỗi chủ hàng và dắt hai con đi. Thằng nhỏ bị mắng không chừa còn làm mặt ma doạ em gái. Đứa em khóc thét. Bà mẹ nổi giận bồng con, đuổi đánh Văn.

 

Nó cười khanh khách lẩn vào đám đông xem hát xướng. Mải nhún nhảy theo tiếng khèn sáo, Văn lạc mẹ. Ảo ảnh cuối cùng Thiết Nam thấy là mẹ gào khóc tìm con, con nức nở gọi mẹ:

 

- Văn, con ở đâu?

 

- Mẹ ơi, mẹ...

 

Tiếng gọi người thân vang vọng trong đầu Thiết Nam. Âm thanh bi thương hóa thành bóng ma cào xé tâm can hắn. Bám riết tiềm thức mơ hồ, bóng ma co ro than khóc bỗng biến thành thân thể loã lồ bẩn thỉu nhơ nhuốc. Con ma nhe hàm răng vàng ệch cười hềnh hệch nhòm hắn:

 

- Ồ, súc sinh dám về nhà rồi kìa. À nhầm, về quê hương thứ hai mới đúng. Há há há...

 

Nam chìm vào ảo ảnh quá khứ, nhà tre vang tiếng quát khiến hắn bừng tỉnh:

 

- Đặt tiền rồi bỏ tay ra!

 

- Thằng kia, cấm mày đụng vào bát!

 

- Mẹ khỉ, hôm nay ra ngõ gặp gái hay sao, đen thế, mười ván thua cả mười.

 

- Hớ hớ, mày vừa vã mồ hôi với hai con điếm liền bài bạc ngay, không thua mới lạ. 

 

Thiết Nam quắc mắt nhìn nhà tre nằm chễm chệ trên bãi đất trống. Đó là nơi dân kiếm cơm. Mọi điểm trong chợ có chủ, người nghèo chỉ còn đất trống để tìm an ủi cho mình. Nay bị chiếm mất, dân thấp cổ bé họng ấm ức vì thiên hạ biến chốn mưu sinh thành ổ đốt tiền.

 

Thiết Nam không tin nổi có kẻ dám khinh nhờn pháp luật. Hắn tức giận đến nhà. Đám canh gác tưởng hắn thua bạc cay cú bèn mở cửa cho hắn vào gỡ. Lũ đỏ đen điên cuồng sát phạt nhau, người thua chửi bới đập bàn đá ghế, kẻ thắng đắc chí bóp ngực sờ mông đám gái điếm ưỡn ẹo bên mình.

 

Đàn vợ thiên hạ tít mắt hôn hít mơn trớn đám chồng một đêm, trai tứ chiếng cười dâm luồn sấp ngân phiếu ngập ngực gái giang hồ. Tội đánh bạc, nhẹ bị chặt tay, nặng chịu lưu đày, thậm chí đánh đến chết, chúng cả gan phạm pháp còn ngang nhiên đàng điếm với gái bán hoa.

 

Thiết Nam nóng mắt trước tệ nạn công khai, hắn chờ quan binh đến bắt nhưng chẳng thấy ai xuất hiện. 

 

Chú thích

 

[1]Một tuần thời xưa bằng mười ngày thời nay.