Chà tôi nhớ quá tôi còn nhớ những hình ảnh của ba tôi gắn liền với sự ngây ngô của mình lúc ấy ở trường đã dạy tôi các bài hát, trong đó có bài hát đầy tình yêu về cha mẹ. Tôi nhớ lại hình bóng cha, gầy gò, nước da đen xám,ngày ngày thường lên rừng thái thuốc , và cả hình ảnh của cha khi ở cánh đồng ruộng.
Tôi quyết định phải làm gì đó cho cha vui, thế là sau khi đi học về, tôi thấy cha đang say giấc nồng. Tôi nhẹ nhàng bước tới, từng bước một, nhìn thấy cha nằm đó, lòng tôi trào dâng thương cha biết bao.
"Được rồi, làm thôi!" Tôi thầm nghĩ. Tay tôi chạm vào người cha thật mạnh, đung đưa qua lại như chiếc võng. Thấy cha vẫn chưa tỉnh, mắt nhắm mắt mở, tôi nhớ rằng khi người bất tỉnh, mình phải tạt nước vào mặt. Thế là tôi lấy nước tạt vào mặt cha.
Cha tôi tỉnh dậy bất ngờ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi vui mừng khi thấy cha đã thức dậy, mặt tự hào, bắt chéo tay trước ngực:
-Cha ơi, nghe con hát nè! "Ba thương con thì con giống mẹ, mẹ thương con thì con giống ba, cả nhà ta cùng yêu thương nhau, xa là nhớ, gần nhau là cười."
Nghe tôi hát, mặt cha như đang muốn phát nổ như nồi áp suất, từ từ nóng đỏ lên, răng nghiến lại, giọng tức giận:
-Tao đang ngủ, tự nhiên mày đánh thức tao! Tao cho "gần nhau là cười" nè!
Và thế là bữa cơm của tôi hôm đó, đứng cũng không được mà ngồi cũng không xong. Những vết xăm đỏ ửng ấy khiến tôi nhớ mãi ngày hôm đó.
Thời học sinh là khoảng thời gian ngây ngô của tôi. Tôi còn nhớ những thằng bạn cùng trang lứa, điển hình là Tày, Vinh, Tý và Dũng, hay còn gọi là "Mập" vì nó mập nhất lớp. Nhà Dũng khá giả nhất trong làng, nên nó thường được ăn những thứ đồ ăn như bim bim, kẹo mút, những món mà lũ trẻ trong làng hiếm khi có dịp thưởng thức.
Tày và Tý giống như hai anh em song sinh, cả hai đều có nước da ngăm đen và dáng người hơi gầy. Thế nhưng, Tày lại nhỉnh hơn Tý về chiều cao, cao hơn đúng 3 cm. Tý tuy không cao, nhưng lại sở hữu đôi mắt cáo cuốn hút biết bao nhiêu em gái trong trường.
Cuối cùng là Vinh, thằng thông minh nhất nhóm. Trong lớp có ba mươi lăm học sinh, nhưng nó luôn đứng thứ năm... từ dưới đếm lên!
Còn tôi, tự nhận mình là thiên tài của nhóm. Tóc lúc nào cũng bù xù, nước da trắng tinh như người Âu, vì thế thỉnh thoảng bọn nó trêu tôi là "thiên tài", nhưng không phải kiểu thông minh, mà là "tài lanh, tài lẹt".
Điều kỳ diệu khiến nhóm chúng tôi gặp nhau và kết giao thành anh em bắt đầu từ chuyến tham quan rừng của lớp. Hồi đó, trường tôi tổ chức một chuyến đi thăm quan núi rừng. Mọi chuyện chẳng có gì đáng nói, cho đến khi thằng Tý tự ý tách nhóm với lý do đi vệ sinh. Điều đáng nói là nó không thông báo cho giáo viên hay người phụ trách, mà cứ tự quyết định đi một mình.
Tôi, Mập, Tày và Vinh đi phía sau cùng của đoàn, bỗng quay lại thì không còn thấy bóng dáng lớp đâu. Chỉ có mỗi thằng Tý, giống như con rắn đầu đàn, cứ đi đâu là chúng tôi theo đó: nó rẽ phải thì bọn tôi rẽ phải, nó rẽ trái thì bọn tôi cũng rẽ trái. Cho đến khi nó dừng lại ở một gốc cây xanh, rõ ràng đã "hết chịu nổi", Tý vội giải quyết nỗi buồn ngay tại đó, rồi còn vui vẻ huýt sáo:
-Viu viu...
Bọn tôi đứng đơ người, chẳng ai dám nói gì. Thằng Tày thấy vậy liền chạm nhẹ vào vai nó, làm thằng Tý giật bắn người, hoảng hốt hét toáng lên:
-Ma! Ma!...
Nó vừa la vừa ôm mặt khóc ríu rít. Nhưng từ từ, nó mở mắt ra, ngạc nhiên nhận ra là bọn tôi. Mặt nó đầy vẻ bất ngờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, giọng ngơ ngác hỏi:
-Bọn mày định làm gì tao thế?
Vừa nói nó vừa ôm người, run lẩy bẩy.
-Tao xin bọn mày, tao còn mẹ già, còn chén canh ở nhà chưa ăn nữa. Làm gì thì làm, đừng có bắt cóc tao!
Tày nghe xong, bực mình nói:
-Ai thèm bắt cóc mày! Bọn tao đi theo mày vì tưởng mày đi theo đoàn chứ!
Tý vẫn ngơ ngác, gãi đầu hỏi:
-Ủa, vậy thầy cô đâu rồi?
Cả đám chúng tôi chết lặng khi nghe câu đó. Một khoảng im lặng đáng sợ bao trùm bầu không khí. Cuối cùng, cả đám mới nhận ra một sự thật kinh hoàng: THỰC SỰ, THỰC SỰ chúng tôi đã bị lạc!
Với tình huống này, người bình thường có lẽ sẽ lo sợ, nhưng chúng tôi, khi nhận ra mình lạc giữa rừng, ai nấy mặt tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Cả đám quyết định "tự lực cánh sinh", tiến về phía trước. Tay nắm tay, chúng tôi kéo nhau đi vòng quanh khu rừng, vừa đi vừa đùa cợt, chẳng có kế hoạch gì rõ ràng, cứ như mấy con cóc đi lạc. Đến lúc này, bộ não "thiên tài"của Vinh mới có dịp thể hiện.
Vinh đột nhiên trở nên trầm ngâm, nghiêm túc. Giọng nó đầy uy nghiêm:
-Bọn mày, cả đám chúng ta cần phải có một kế hoạch.
Rồi nó giơ tay chỉ về phía mặt trời, nói với vẻ bí hiểm:
-Chính nó! Đi theo hướng của mặt trời.
Cả đám chúng tôi vẫn ngơ ngác. Thấy thế, Vinh hắng giọng giải thích, giọng đầy sự "nguy hiểm":
-Mặt trời luôn toả sáng, mà sáng nghĩa là không tối. Đi theo nó, coi như sẽ không bao giờ bị lạc, vì trời sẽ mãi không tối!
Nghe xong, đám chúng tôi phá lên cười rồi vỗ tay rào rào, khâm phục cái suy nghĩ "thiên tài" của Vinh.
-Hay quá Vinh ơi! Hay thật đấy! – Cả đám đồng thanh.
Vậy là chúng tôi làm theo "chiến lược" của Vinh, cứ thế mà đi mãi… và mãi. Đến khi cả bọn mệt rã rời, trời đã chuyển dần về chiều mà chẳng thấy ánh mặt trời đâu nữa.
Trong khi đó, cô Lan – cô giáo chủ nhiệm trẻ trung, đầy nhiệt huyết – như một bông hoa tươi sáng giữa đám học sinh. Nhìn từ xa, cô tựa người mẹ hiền của chúng tôi. Khuôn mặt cô tươi tắn, nước da trắng hồng, dịu dàng như một cánh hoa bồ câu.
Cô mỉm cười hiền hậu, hô to:
-Cố lên các em, sắp đến nơi rồi!
Thầy hiệu trưởng, người luôn quan tâm đến mọi thứ, thấy cảnh tượng vui vẻ này cũng cảm thấy ấm lòng. Nhưng để chắc chắn không học sinh nào bị lạc, thầy yêu cầu cô Lan:
-Cô Lan, điểm danh học sinh lại nhé.
Nghe thế, cô Lan liền gọi:
-Nào các em, tập hợp lại! Xếp thành 4 hàng ngay ngắn cho cô nào!
Lũ trẻ vội vàng xếp hàng. Cô Lan bắt đầu điểm danh:
-Một, hai, ba, bốn… Ba mươi.
Nghe tới con số "ba mươi," tim cô Lan đập thình thịch, hoảng loạn. Mồ hôi bắt đầu chảy đầm đìa, miệng lắp bắp:
-Ca...các em, đếm lại cho cô nào!
Tụi nhỏ nghe lời, đếm lại lần nữa:
-Một, hai, ba, bốn... Ba mươi.
Cả thế giới như sụp đổ trước mắt cô. Cô vội vàng chạy đến thầy hiệu trưởng, mặt tái mét không còn giọt máu, miệng ú ớ:
-Thầy... thầy ơi... lớp em... mất năm em rồi!
Thầy hiệu trưởng sững người, đứng hình tại chỗ như một pho tượng. Ngón tay thầy khẽ nhúc nhích, tát nhẹ vào mặt mình để lấy lại bình tĩnh. Thầy liền tỉnh táo, đôi lông mày nhíu lại, rồi lập tức ra lệnh:
-Các thầy cô, chúng ta có chuyện lớn! Năm học sinh lớp 6C đã mất tích. Một nửa thầy cô dẫn các em khác đến chỗ an toàn, còn lại hãy hỗ trợ tìm kiếm và liên lạc với kiểm lâm cùng đội cứu hộ khẩn cấp ngay lập tức!
Mọi người nghe lệnh liền lập tức hành động, không để sai một nhịp nào. Tuy nhiên, trong lòng ai cũng cảm nhận rõ sự hỗn loạn và lo lắng không thể giấu được.
Còn về phía chúng tôi, cả đám vẫn chẳng biết bao giờ mới tìm được đường về nhà. Bụi đất dính đầy mặt mũi, quần áo lấm lem, bắt đầu có đứa nản chí. Tôi, với bộ não "thiên tài" của mình, bắt đầu nghi ngờ việc đi mãi thế này có khi lại lạc sâu hơn trong rừng.
Tự nhiên nảy ra một sáng kiến, tôi vội bàn với đám bạn:
-Mày nói gì chứ? Trèo lên cây hả? Mày có biết cây trong rừng cao lắm không? Nhỏ nhất cũng từ 4 đến 5 mét, còn cao nhất thì tới 10-15 mét cơ đấy!
Nghe thằng Tày nói vậy, mặt tôi buồn thiu. Nhưng bỗng nhiên, nó cười hí hửng, khoác tay lên cổ tôi:
-Tại sao mày không nói sớm! Nếu trèo lên cây cao nhất, chúng ta chắc chắn sẽ tìm được đường về. Hay đấy! Mà trèo lên cây nào đây?
Tôi đưa tay chỉ vào một cây đa cao khoảng 7 mét, cả đám nhìn theo và gật gù đồng ý.
Cả bọn nhanh chóng họp lại phân chia nhiệm vụ: Vinh và Tày là hai thằng khéo léo nhất trong việc trèo cây. Mập và tôi sẽ làm bệ đỡ cho Tày trèo lên. Khi Tày lên đến nơi, nó sẽ kéo Vinh lên cây, rồi Vinh và Tày sẽ hỗ trợ lẫn nhau để trèo lên tận ngọn cây. Còn Tý, nhiệm vụ của nó là... cổ vũ chúng tôi.
Kế hoạch rõ ràng, chúng tôi bắt tay vào hành động. Tày nhanh nhẹn leo lên, đạp vào lưng Mập rồi đến lượt tôi. Tay nó bám chắc vào nhánh cây và từ từ trèo lên cao. Vinh cũng không thua kém, phi lên nhanh như chớp.
Tý đứng dưới, hét lớn động viên:
-Cố lên, bọn mày ơi! Cố lên!
Trên cây, Tày gắng hết sức dùng cơ thể mình để đẩy Vinh lên. Dù mệt, Vinh cũng không phụ lòng Tày, cậu leo được lên đến ngọn cây. Thấy Vinh thành công, chúng tôi mừng rỡ, hú hét ầm ĩ.
Tuy nhiên, Vinh ở trên ngọn cây loay hoay mãi, chẳng thấy báo gì xuống. Sốt ruột quá, tôi hét lên:
-Vinh, mày thấy làng ta không?
Mặt nó lộ vẻ thất vọng và buồn bã:
-Tao không thấy gì hết. Trên này bị mấy cái cây to khác che khuất hết rồi!
Bỗng nhiên, từ đâu vang lên âm thanh lạ kì, tiếng lá cây xào xạc như có gì đó trườn qua. Âm thanh đó cứ vang vọng, rờn rợn:
-Xèo... xẹt... rè rè...
Vinh giật mình nhìn qua bên phải, và rồi nó hét toáng lên:
-RẮN!!!
Không kịp suy nghĩ, cả Vinh và Tày lao mình từ trên cây xuống đất. Hai đứa đáp xuống bằng mông, và quần của Vinh còn bị rách toạc một đường. Chẳng kịp nghỉ ngơi, cả hai lập tức bật dậy, chạy thục mạng về phía chúng tôi. Đột nhiên, từ trên cao lại phát ra tiếng vo ve kì lạ. Nhìn kỹ thì chúng tôi nhận ra: là ong! Chắc lúc nhảy xuống, Vinh đã vô tình chạm phải một tổ ong nào đó.
Không còn thời gian suy nghĩ, cả đám chúng tôi chạy tán loạn. Thân ai nấy lo! Mập bị tuột lại phía sau, vừa chạy vừa khóc mếu máo:
-Mẹ ơi ! Hu hu hu!
Chúng tôi chạy được một quãng xa thì may mắn, đàn ong cũng đã dừng lại, không đuổi theo nữa. Cả bọn dừng lại thở hổn hển. Mập thì thở không ra hơi, nước mắt nước mũi tèm lem, nó vừa khóc vừa nói:
-Bọn mày ơi, tao mất đôi dép mới rồi! Hu hu!
Tôi nhìn xuống chân Mập, dính đầy bùn đất. Chắc lúc nó chạy hoảng quá không biết dép rơi đâu mất.
Trời bắt đầu tối dần. Tiếng khóc của Mập nghe thê lương vang vọng giữa không gian. Cả bọn tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, nước mắt lăn dài trên má. Chúng tôi khóc nức nở:
-Hu hu… thít… Hu hu… thít…
Cơn lạnh cắt da cắt thịt bao trùm lấy chúng tôi. Trời lạnh đến mức răng ai nấy đều va vào nhau lập cập. Những tán cây xanh cao vút rung rinh, xào xạc như tiếng thì thầm ma quái. Cả đám lấm lem bùn đất, quần áo xộc xệch, thân thể rã rời. Bầu trời u ám ngay cả ánh trăng cũng không xuyên qua nổi.
Giờ đây, chúng tôi chẳng khác gì miếng mồi béo bở cho lũ thú hoang. Run rẩy trong nỗi sợ hãi, chẳng ai nói gì, cũng chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi co ro chờ đợi. Tôi thật sự đã kiệt sức vì đói và khát. Đôi mắt bắt đầu nhoè dần, cơ thể nặng trĩu. Trong cơn mơ màng, tôi bất chợt thấy một tia sáng chói chiếu thẳng vào mắt tôi, kèm theo tiếng người gọi lớn:
-Tìm thấy lũ trẻ rồi! Mọi người ơi, lại đây!
Âm thanh ấy vang vọng, hình ảnh mờ nhạt dần. Trong lúc cơ thể tôi được một anh chiến sĩ vác lên vai chạy nhanh chóng thoát ra rừng , tiếng còi xe cứu thương dần dần vang lên inh ỏi:
-Oe éo, oe éo, oe éo…
Cả đám chúng tôi được đưa vào xe cứu thương, tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ vì kiệt sức. Mọi chuyện cứ thế trôi qua, hình ảnh dần nhạt nhoà với tôi , khiến tôi không còn nhớ gì nữa.
Câu chuyện của tôi tựa như một giấc mơ kỳ diệu, kết thúc với một cái hậu cho cả bọn chúng tôi. Khi tỉnh dậy sau cơn mê man, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là gia đình mình. Mẹ tôi khóc nức nở, ôm chầm lấy tôi, còn ba đứng đó, mắt đỏ hoe vì lo lắng. Ánh sáng bên ngoài chiếu lóa vào mắt, nhưng lần này là từ đèn flash của các phóng viên, nhà báo. Vụ mất tích của chúng tôi đã trở thành tin tức nóng bỏng, được đăng tải khắp báo đài, kể về sự kỳ diệu và may mắn của cả nhóm.
Những ngày sau đó, mỗi khi đến trường, bạn bè và thầy cô vẫn còn không ngừng hỏi về chuyện chúng tôi đã trải qua. Câu chuyện về sự kỳ diệu ấy trở thành chủ đề của mọi cuộc trò chuyện, và tôi cứ kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần. Nhưng rồi, sau vài tháng, mọi thứ dần lắng xuống, giống như một giấc mơ đã qua.