Chereads / Nhân Thần Truyện - 人宸傳 / Chapter 15 - Đại Cục (Hạ)

Chapter 15 - Đại Cục (Hạ)

"Bệ hạ hôm qua đã xử chết Lê Sát, gia ân cho tự tử tại nhà, nghe đâu Nguyên Phi gào khóc đến ngất đi." - Hạ Bí phết nhẹ vôi rồi cuộn miếng trầu lại, cho vào miệng thủng thẳng nhai.

"Nếu không phải Đại Đô đốc, cha chị Chiêu Nghi và cha em xin cho thì có khi đã bị chém rao ấy chứ."

Đan Thư vẩu môi, hướng Nhật Lệ mà nói. Nhật Lệ đối với lời ấy căn bản không quan tâm, chỉ ừ một tiếng khiến Đan Thư chưng hửng.

Hạ Bí đưa tay che miệng, phun trầu vào ống nhổ, nói - "Chị Chiêu Nghi không khỏe hay sao mà em thấy chị thần sắc trông nhợt nhạt quá."

"Không có gì, chỉ là đêm qua ngủ không ngay giấc thôi." - Nhật Lệ cố nặn ra nụ cười, gượng gạo nói.

"Chị nên cẩn thận sức khỏe, cuối năm biết bao nhiêu lễ còn đợi chị lo liệu."

Đan Thư chưa hết câu thì Hạ Bí kéo nhẹ vạt áo, Đan Thư còn chưa kịp phản ứng thì Hạ Bí liền đứng dậy bái lễ:

"Nếu chị không khỏe em và Bùi Mỹ nhân xin lui cho chỉ nghỉ ngơi."

Đan Thư như vậy cũng bắt đắc dĩ mà đứng dậy bái lễ ra về.

Ra vừa tới cửa Đan Thư liền lên tiếng trách:

"Chị làm gì vậy? Ta còn có chuyện muốn nói mà."

"Cô không thấy lúc nãy chị Chiêu Nghi căn bản là không muốn nói chuyện với chúng ta, ngồi lại chỉ làm chị ấy khó chịu, tội gì chứ."

Đan Thư ngẫm nghĩ rồi cũng gật gù, rồi quay sang Hạ Bí bái lễ:

"Vậy ta cũng về trước, chị đi thong thả."

~×~

Nhật Lệ ngồi trên sập lặng yên như bức tượng, chốc chốc lại thở dài khiến cho Yên Chi đứng hầu bên cạnh cũng cảm thấy bầu trời đầy nắng kia cũng ảm đạm lạ thường. Cứ như thế chẳng biết bao lâu thì Nhật Lệ mới bật ra một câu với cái giọng sầu não:

"Yên Chi này, hóa ra việc chiến thắng kẻ thù không khiến ta sung sướng như ta hằng tưởng. Thấy Lê Ngọc Dao kia vật vã vì mất cha cũng không khiến nỗi đau mất con của ta dịu đi chút nào."

Nhật Lệ kết thúc với thêm một tiếng thở dài não nùng. Yên Chi bối rối không biết thế nào nhưng đành gắng làm cái mặt tươi vui, nói:

"Lệnh bà đừng nghĩ về người khác nữa, để nô tỳ kể người nghe chuyện trong nhà ta. Ông vừa đuổi hai bà nhỏ họ Nguyễn với họ Trần rồi."

Nhật Lệ nâng tách trà lên, thổi nhẹ đám khói trên mặt, nhấp vài ngụm rồi thư thả nói - "Bà Trần thị do Lê Sát tặng vốn không nên giữ lại."

Chợt ánh mắt Nhật Lệ xao động - "Còn bà Nguyễn thị chẳng phải rất được cha yêu sao? Nay sao thình lình bị đuổi thế được."

"Theo nô tỳ nghe được là do bà đó dám cả gan theo dõi bà cúng bái, còn cả gan phái người theo chân bà đồng nữa."

Nhật Lệ đặt chén trà xuống, giọng có chút khẩn trương - "Mẹ ta vẫn chưa bỏ trò cúng tế đó à? Lúc trước cầu cho có con trai, nay con mất rồi còn làm chi nữa."

Yên Chi liền vuốt lưng, xin Nhật Lệ bình tĩnh rồi nói mát - "Bà lớn cũng là lo cho bà, bà cúng tế cốt là để bà được bệ hạ thương yêu thôi."

Nhật Lệ cũng đành tặc lưỡi cho qua - "Đành vậy, mẹ ta trước giờ không bà đồng cũng thầy cốt, không biết bao giờ mới bỏ được. Mà hai bà ấy bị đuổi ngươi có biết đã đi đâu về đâu rồi không."

"Nô tỳ nghe nói bà Trần thị đã về quê ở Thiệu Hóa, còn bà Nguyễn thị đã được nhà quan nào đó mua về rồi."

Yên Chi vừa nói vừa cầm mấy là trầu mà cắt đi phần cuống.

"Bẩm lệnh bà, có Nội quan Nguyễn Cung, nói đến truyền khẩu dụ của bệ hạ."

"Mau cho vào."

Tiểu cung nữ dạ một tiếng rồi lui đi, chưa bao lâu thì Nguyễn Cung đã vào đến. Vẫn cái dáng bộ nghiêm cẩn thường ngày, hành lễ xong liền nói:

"Bẩm lệnh bà, bệ hạ nói cuối năm nhiều lễ, bây giờ đã cuối tháng bảy, trước mắt là Trung thu sẽ giao cho lệnh bà lo liệu sắp xếp. Ngoài ra người nói tối nay sẽ đến dùng bữa và qua đêm ở cung Khánh Phương, xin lệnh bà chuẩn bị."

Nhật Lệ cong cánh môi cười nhẹ, nói - "Đa tạ bệ hạ đã tin tưởng, ta sẽ cố hết sức lo liệu."

"Vậy nô tài cáo lui."

Nguyễn Cung vừa đi thì nụ cười trên môi Nhật Lệ cũng tắt, Yên Chi thấy khó hiểu liền hỏi:

"Hôm nay đều là chuyện vui cớ sao lệnh bà lại buồn."

Nhật Lệ khẽ lắc đầu, cô thở dài - "Ta cũng không biết. Chỉ cảm thấy trong lòng bất an, không vui nổi."

~×~

Hoàng đế lấy chén trà trên án nhấp mấy ngụm, hướng Nguyễn Đính ngồi dưới mà nói:

"Lần này đã vất vả cho khanh, chỉ trong ít ngày đã đưa Nguyễn Đức Minh về đến Đông Kinh trong bí mật cũng thật không dễ."

Nguyễn Đính cười hiền, cung kính nói - "Thần được ra sức khuyển mã giúp bệ hạ vừa là trách nhiệm kẻ bề tôi vừa là vinh hạnh của thần tử, hai chữ vất vả thật sự không dám nhận."

Gương mặt Hoàng đế đầy vẻ hài lòng, nói - "Khanh ăn nói rất biết chừng mực, giữ lễ, thảo nào dạy ra cô con gái khôn khéo như vậy."

Nguyễn Đính nghe nhắc đến con gái không kiềm nổi mà bật ra tiếng cười - "Bệ hạ đã đề cao lệnh bà, thần cũng thấy hãnh diện. Chỉ là chẳng hay lệnh bà trong cung dạo này thế nào ạ?"

"Nàng ấy rất tốt. Khanh cũng đã cất công đến đây hay là trẫm gọi nàng ấy đến cho cha con trò chuyện đôi câu."

Nguyễn Đính vội lắc đầu - "Thần dù là thân sinh của lệnh bà nhưng cũng là ngoại thần, cùng nội cung phi tần gặp mặt không phải phép. Với lại lần này gấp gáp không có phu nhân đi theo nên xin bệ hạ dịp khác mới vấn an lệnh bà."

"Được, vậy trẫm sẽ khanh chuyển lời. Khanh là Hành khiển Hải Tây đạo, trấn giữ Lam Kinh là vùng trọng yếu, cần phải ra sức, nếu có gì không ổn hay thiếu hụt cứ việc bẩm lên."

Nguyễn Đính liền quỳ xuống, dập đầu chạm đất mà nói - "Thần xin đem hết sức mình an dân giữ đất, giữ an yên cho đất phát tích triều ta, quyết không phụ thánh ân."

"Cũng không còn sớm nữa khanh lui về nghỉ ngơi đi, còn chuẩn bị quay về nữa."

"Dạ, vậy thần xin cáo lui."

Hoàng đế thư thả đưa chén trà lên nhấp mấy ngụm rồi hỏi Đinh Hối - "Bây giờ là giờ gì rồi?"

"Dạ bẩm bệ hạ, vừa vào giờ Ngọ*. Cũng sắp đến giờ dùng thiện trưa rồi ạ."

(*) 11 giờ trưa.

"Vậy ngươi đến điện Lập Nghi gọi Nguyễn Tài nhân đến dùng thiện với trẫm."

Độ nửa canh giờ sau Chiêu Anh mới đến điện Hội Anh. Đợi cô vái lễ xong Hoàng đế liền giở giọng trêu chọc:

"Mời được Tài nhân dùng thiện quả không dễ, mời được rồi còn phải đợi."

"Bệ hạ cứ trêu thần thiếp, uổng công thần thiếp thấy bệ hạ mấy ngày nay bận rộn triều chính mà vào bếp hầm canh gà cho người." - Vừa nói Chiêu Anh vừa giở nắp vịm* trong tay Mai Thanh, múc ra một tô canh còn nghi ngút khói đặt lên bàn - "Trong đây thiếp có để thêm sâm, ngải cứu và bào ngư. Nghe Dương Lương nhân nói, dù có mất sức cỡ nào, ăn vào cũng khỏe."

(*) Đồ đựng thức ăn có nắp đậy

"Dương Lương nhân?"

"Dạ phải, cô ấy là em gái của Dương Cơ Phiếm Ái từng làm trong Thái Y viện, ông nội chính là lão Thái Y lệnh Dương Khương theo hầu Thái Tổ từ lúc còn dấy nghĩa."

"Lão y lệnh Dương Khương y thuật cao minh, lúc nhỏ trẫm hay bệnh cũng nhờ ông ấy mà được mạnh khỏe như bây giờ, chỉ tiếc con ông ấy là Dương Linh lại không theo nghề cha, cháu là Phiếm Ái không lĩnh được tài năng của ông nội càng không thụ được y đức, làm việc bất chính nên bị phụ hoàng đuổi khỏi cung. Dương Lương nhân xuất thân y gia, hiểu biết y lý cũng là dễ hiểu. Lúc nàng trúng độc ở hành cung Hoa Phong, cũng là nàng ấy nhanh trí bấm huyệt ngăn độc nên nàng mới ít bị thương tổn."

Dùng bữa xong, Hoàng đế cùng Chiêu Anh đi sang phía Tây Vu ngồi thưởng trà.

Tựa tay lên gối xếp, Hoàng đế nhìn Chiêu Anh một lúc rồi chầm chậm nói - "Khen thưởng công thần ngoài ban cho vàng bạc, chức tước thì nàng còn biết nên làm thế nào không?"

"Hậu cung không được dự chính, thần thiếp không dám tiếp lời."

Hoàng đế cười xòa, nói - "Trẫm cho phép, coi như ta và nàng đang nói chuyện phiếm thôi."

Chiêu Anh lần lựa quan sát thái độ Hoàng đế một lúc rồi mới cẩn thận bật ra từng chữ - "Người xưa hay cho rằng triều đình và hậu cung là cây chung gốc, kéo một nhánh động toàn thân nên khi khi quần thần lập công ngoài vàng bạc chức tước cũng thường gia thăng cho phi tần là con cái của họ trong cung, đồng thời thông qua sắc phong nội cung mà biểu thị ý tứ của thiên tử đến quần thần."

Hoàng đế gật đầu hài lòng - "Trẫm đã rõ, cũng trưa rồi nàng về đi kẻo nắng gắt, trẫm cũng phải vào nghỉ trưa để chiều còn gặp mặt các sĩ đại phu."

"Vậy thần thiếp cáo lui."

~×~

Nhật Lệ rúc người vào ngực Hoàng đế, cái ấm áp thấm qua lớp tẩm y khiến cô vô cùng dễ chịu. Nhìn lên thấy Hoàng đế vẫn còn nhìn trân tráo lên trần, Nhật Lệ thỏ thẻ lên tiếng:

"Bệ hạ sao còn thức vậy? Ngày mai người còn phải lên triều sớm nữa, không nên thức khuya."

Hoàng đế đưa tay ôm Nhật Lệ chặt hơn, nói - "Trẫm nghĩ về một số chuyện quá khứ, về đứa con của chúng ta."

"Bệ hạ…"

Hoàng đế cắt ngang lời Nhật Lệ - "Trẫm biết nàng vẫn còn buồn, thậm chí còn giận trẫm vì chuyện đó. Trẫm hiểu chứ, nhưng lúc đó trẫm thật sự không thể làm khác."

"Thế nên trẫm muốn nàng hãy quên chuyện quá khứ đi, làm lại từ đầu được chứ." - Đoạn Hoàng đế ngồi dậy, vén tóc mai của người nữ nhân ấy rồi tiếp - "Sắp đến Trung thu, trẫm định sẽ đại phong lục cung, nàng sẽ là Huệ Phi."

Nhật Lệ có chút bất ngờ cũng vươn người dậy - "Bệ hạ định phục vị cho thiếp?"

"Không. Nàng là Lê Chiêu nghi được tấn phong làm Huệ Phi." - Hoàng đế đưa tay ôm lấy Nhật Lệ vào lòng - "Những chuyện trước đó đều chỉ mang lại đau khổ cho nàng, nên trẫm mong nàng hãy quên nó đi mà làm lại."

Nhật Lệ hé môi định nói gì đó nhưng rồi lại gục vào vai Hoàng đế mà nhẹ nhàng dạ một tiếng.

~×~

"Thừa thiên hưng vận Hoàng đế, chế viết. Xét đạo đế vương trước ở tề gia, nên thiên Chu quan thi hành phép tắc tất lấy ý của thơ Quan thư, Lân chỉ làm gốc. Nay các phi tần giữ nết hạnh đoan trang, lo toan việc nội trị, nên tấn phong theo thứ bậc để tỏ ân trạch. Tấn phong, Chiêu Nghi Lê thị làm Huệ Phi, Tuyên Vinh Ngô thị làm Sung viên, Tài nhân Nguyễn thị làm Tiệp Dư, Lương nhân Dương thị làm Dung hoa, Lương nhân Ngô thị làm Tuyên vinh, Mỹ nhân Bùi thị làm Tuyên vinh. Khâm tai."

Nữ quan xếp đạo thánh chỉ lại rồi hô - "Thụ sách."

Ngoài Nhật Lệ được nhận kim sách bằng vàng, những người còn lại đều nhận ngân sách bằng bạc. Mỗi cuốn có sáu tờ, dài năm tấc năm phân, ngang ba tấc năm phân, dày hai li*, bốn khuyên tròn bằng vàng. Hai trang ngoài cùng trước sau đều được chạm rồng, chạm mây vô cùng tinh xảo. Bốn tờ ở giữa dùng mực nhũ vàng mà viết lên những mỹ từ ca ngợi từng người, biểu thị chủ nhân nó xứng đáng với chức danh được nhận.

(*) 1 tấc bằng 10 cm, 1 tấc bằng 10 phân, 1 phân bằng 10 li. Số liệu dựa theo sách phong của hậu phi thời Nguyễn.

Các phi tần nhận sách từ nữ quan bên hữu, đưa lên ngang đầu mà bái lễ với ngọc tiết* rồi trao lại cho nữ quan bên tả, những người đã đợi sẵn để nhận lấy thứ trân bảo ấy để vào một tráp bạc được chạm khắc công phu rồi lại để vào trong một hộp gỗ sơn son.

(*) là vật tương trưng cho Hoàng đế trong lễ sách phong. Hình dạng là một dây với năm tầng, mỗi tầng lại được kết từ các chuỗi ngọc có màu đỏ, vàng, lam, lục, trắng tượng trưng cho ngũ hành.

"Hành tam quỳ cửu khấu."

Nữ quan dứt lời các phi tần liền quỳ xuống lạy ba lạy rồi đứng lên, lập lại như thế thêm hai lần, trong lần lạy cuối lại cùng nhau nói lớn:

"Thần thiếp khấu tạ long ân."

Mọi người dứt tiếng nữ quan liền hô:

"Lễ thành. Hưng!"

-Còn tiếp-