Trần Hiểu Khâu miệng há hốc, vừa kêu lên một tiếng "Lam Lam", cánh tay đã buông thõng, chiếc điện thoại rơi xuống đất, cả người cô như ngồi không vững, hai mắt nhắm nghiền lại, ngất lịm ngã xuống đất.
Quách Ngọc Khiết nhào tới, ôm lấy tấm thân thể mềm nhũn của Trần Hiểu Khâu.
Tí Còi và Gã Béo sững người ra.
"Đi báo với sếp ngay!" Tôi hét lên với hai người bọn họ, rồi lấy điện thoại mình ra nhấn gọi 120.
Trần Hiểu Khâu được đưa đến bệnh viện, kết quả kiểm tra nói là do bị suy nhược làm việc quá sức, cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức.
Mẹ của Trần Hiểu Khâu vội vã chạy đến bệnh viện, nhìn thấy Trần Hiểu Khâu đang nằm trên giường bệnh, mắt bà đỏ lên.
Sếp Già cảm thấy rất áy náy, đến xin lỗi mẹ Trần Hiểu Khâu: "Là do tôi không chăm sóc tốt cho Tiểu Trần, anh Trần gửi gắm nhờ tôi chăm sóc cho cháu, thế mà tôi lại để cháu nó,... haiz…"
Tôi cùng ba người bọn Tí Còi cũng đến tạ lỗi, rồi an ủi bác Trần.
"Mọi người đừng nói như vậy, đều là do Tiểu Khâu nhà chúng tôi tự nó tranh đua háo thắng. Tôi cũng đã khuyên nhủ nó, cái con bé này từ nhỏ đã như vậy rồi." Bác Trần buồn bã không ngừng trách móc.
Ông Trần đang làm việc ở Trung Ương, lại không sống ở quê nhà thành phố Dân Khánh. Bởi vì hai bên gia đình nội ngoại đều sống ở đây, không muốn chuyển đến thủ đô sống, nên Trần Hiểu Khâu lúc thi đại học cũng chọn thi vào trường ở thành phố Dân Khánh, vì vậy bà Trần cũng ở lại đây sống với cô ấy. Bốn người ông bà nội ngoại vẫn chưa được biết tin tức, bà Trần chỉ gọi điện thoại báo tin cho ông Trần một tiếng, còn lại chẳng nói với ai cả.
Nhưng chẳng bao lâu sau, bên ngoài phòng bệnh xuất hiện tiếng ồn.
Một cô gái trẻ tóc búi cao đang loạng choạng chạy nhào tới, lớp trang điểm bị nước mắt làm trôi hết cả, tay vẫn đang túm chặt lấy một người thanh niên. Người thanh niên này đang rất lúng túng, trên mặt vẫn còn hằn rõ dấu một cái tát tay, trông bộ dạng hết sức thê thảm.
"Chị ơi!" Cô gái tiến tới bên giường của Trần Hiểu Khâu, kêu lên một tiếng rồi lại khóc.
Lúc này chúng tôi mới biết, cô gái này là chính là em họ của Trần Hiểu Khâu. Người thanh niên bị cô ấy lôi đến kia là ai thì chắc ai cũng dễ dàng đoán ra được.
Ba người bọn Tí Còi dùng ánh mắt không thiện cảm nhìn trừng trừng tên Mã Nhất Binh kia.
Bà Trần luống cuống kéo em họ của Trần Hiểu Khâu lại, "Lam Lam, sao cháu biết mà đến đây? Nín đi đừng khóc nữa, chị cháu không sao cả, chỉ là do làm việc quá sức thôi. Cháu đừng nghĩ ngợi nhiều, không liên quan đến vở kịch nói của cháu đâu."
"Sao lại không liên quan! Chính là tại vở kịch ấy!" Lam Lam trừng mắt nhìn Mã Nhất Binh.
Mã Nhất Binh rụt đầu rụt cổ đứng khép nép.
Tôi nhìn bà Trần và ông sếp đầu toát hết cả mồ hôi, đôi mắt ông sếp lóe lên một ánh nhìn, trong lòng cảm thấy có chuyện không hay rồi, tôi nháy mắt ra hiệu với ba người Tí Còi.
Tí Còi bước một bước đến bên cạnh Mã Nhất Binh, đưa tay ra giữ chặt lấy cánh tay của Mã Nhất Binh như bọn lưu manh. Mã Nhất Binh tướng tá cao to, đẹp trai phong độ, nhưng bây giờ thì lại trong bộ dạng khom lưng, gục đầu, nhìn không có chút sức sống nào cả, bị cái tên thấp hơn cậu ta giữ chặt tay như thế, cũng đành phải dạ dạ vâng vâng.
"Trần Hiểu Khâu vẫn đang nghỉ ngơi, đừng có làm ồn trong phòng bệnh nữa." Tôi lên tiếng nhắc nhở.
Quách Ngọc Khiết kéo cô nàng Lam Lam lại, "Em gái à, em đừng khóc nữa. Hãy lau nước mắt đi này, chúng ta ra ngoài ngồi một lát nhé."
Gã Béo cũng phụ họa hai câu, giải thích với bà Trần: "Lúc Trần Hiểu Khâu ngất đi, cô ấy đang gọi điện thoại cho em họ cô ấy, lúc đó em ấy đã rất lo lắng."
Sếp Già liếc sang tôi.
Tôi miễn cưỡng gật đầu với ông ấy, rồi theo hai người họ đi ra ngoài, để lại Gã Béo trong phòng bệnh.
Mấy người chúng tôi tìm một hành lang vắng người qua lại. Ở đó chẳng biết là phòng gì của bệnh viện, cửa đóng im lìm, cũng chẳng có biển chỉ dẫn nào cả, bên trong hành lang tuy là rất sáng sủa, nhưng lại yên tĩnh đến mức đáng sợ.
Tí Còi đẩy mạnh Mã Nhất Binh vào tường, hai tay khoanh trước ngực, vẻ mặt làm bộ dữ dằn nói: "Cậu tên Mã Nhất Binh phải không? Người trong câu lạc bộ kịch nói đúng không? Nào đến đây, nói cho chúng tôi nghe bộ kimono đó rốt cuộc là có vấn đề gì?"
Mã Nhất Binh đụng trúng vách tường, đau đến mức hít một hơi mạnh, muốn bỏ chạy cũng chẳng còn chỗ nào có thể chạy.
Lam Lam vẫn còn đang khóc, nghe thấy câu hỏi của Tí Còi liền muốn mắng cho tên Mã Nhất Binh kia một trận, nhưng đã bị tôi ngăn lại.
"Lam Lam à, trước mắt em không cần vội vàng nói gì cả, hai người cứ từ từ nói từng chuyện một thôi." Tôi khuyên giải.
Lam Lam quay sang nhìn tôi, "Anh là gì với chị họ tôi?"
"Là đồng nghiệp của cô ấy. Cô ấy vừa đến chỗ chúng tôi làm chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện này, chúng tôi cũng không thể khoanh tay đứng nhìn được." Tôi giải thích.
Ánh mắt của Lam Lam không ngừng di chuyển qua lại giữa mặt tôi và mặt Tí Còi, rồi lại đưa mắt dò xét chúng tôi từ trên xuống dưới, cô bĩu môi, "Tôi nói cho các anh biết, mấy anh đừng có mà diễn kịch. Người theo đuổi chị họ tôi có thể xếp hàng dài từ đây đến tận thủ đô cơ, biết bao nhiêu anh tài giỏi đẹp trai…"
"Được rồi, được rồi, ai thèm để ý đến chị họ cô hả?" Tí Còi không mấy kiên nhẫn ngắt lời, ngoảnh mặt nhìn Mã Nhất Binh, "Tên tiểu tử cậu đừng có hòng lừa bịp chúng tôi. Tôi nói trước, nếu cậu mà nói một câu nào xằng bậy hay lấp liếm, tôi chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là có thể bảo người của đồn cảnh sát ở chỗ các cậu đến trường cậu mời cậu đi uống trà mỗi ngày đó, cậu có tin không?"
Tí Còi này chỉ toàn biết nói nhăng nói cuội, nếu nói cậu ta đem hết mấy chuyện tốt xấu này báo cảnh sát giả thì còn nghe được, chứ không thì dựa vào cái "năng lực" của cậu ta ở phương diện đồn cảnh sát thì cùng lắm là nhờ vả Tiểu Cổ giúp đỡ. Đồn cảnh sát nơi Tiểu Cổ làm việc có thể không quản lý tới Học viện Hí kịch Dân Khánh được. Nhưng cái phương pháp giày vò người khác này xem ra là có chút tác dụng, cho dù Mã Nhất Binh chẳng phạm phải tội gì cả, nhưng suốt ngày cứ bị cảnh sát tìm tới học viện, cậu ta cũng phải tự lãnh hậu quả.
Mã Nhất Binh quả nhiên không phải là loại thiếu niên ngây thơ bước ra tháp ngà voi, cậu ta bị Tí Còi dọa cho chết đứng, cậu ta run lẩy bẩy nói: "Các anh muốn hỏi chuyện gì?"
"Bộ kimono đó! Cậu biết gì thì nói hết ra đi!" Tí Còi nói.
"Chuyện về bộ kimono đó, thực ra tôi cũng không rõ cho lắm…" Mã Nhất Binh chần chừ trả lời.
Tí Còi lạnh lùng cười một tiếng, chỉ vào Mã Nhất Binh, giả vờ làm bộ quay người bỏ đi.
Mã Nhất Binh liền vội vàng kéo Tí Còi lại, "Không phải, chuyện đó, đại ca, đại ca tôi không có ý đó, tôi nói thật đó, tôi thật sự không rõ."
"Vậy cậu biết được những gì?" Tôi hỏi.
"Tôi biết bộ đồ đó có gì đó không bình thường. Nhưng cũng chưa chắc là bộ đồ đó không bình thường." Mã Nhất Binh vò đầu bứt tóc, thở dài: "Các anh có biết vở kịch nói chúng tôi tập không, đó là vở kịch truyền thống của câu lạc bộ kịch nói chúng tôi, vở kịch đầu tiên khi thành lập câu lạc bộ kịch nói cũng chính là vở này, đã hơn hai mươi năm rồi, và cũng đã diễn hơn hai mươi năm, hầu như khóa nào cũng từng diễn qua vở này."
Mã Nhất Binh giới thiệu với chúng tôi về câu lạc bộ kịch nói của bọn họ. Bọn họ ở trong một câu lạc bộ kịch nói sinh viên ở Học viện Hý kịch Dân Khánh, những thành viên được tuyển chọn, không những là sinh viên khoa diễn xuất, mà còn có những sinh viên đến từ những khoa khác có hứng thú với kịch nói, bởi vì từng đào tạo ra được vài người nổi tiếng, nên số lượng thành viên hiện giờ cực kỳ lớn, nhưng những người được chính thức diễn trên sân khấu lại không nhiều. Tập kịch nói là chuyện không hề dễ dàng, ngoài thiên tài như Trần Hiểu Khâu ra, những người khác đều cần phải trải qua thời gian ít nhất từ hai đến ba tháng để luyện tập, đây là trong trường hợp không có gặp bất kỳ sự cố nào hết, toàn tâm toàn ý tập trung vào đó. Thành viên câu lạc bộ kịch nói đều là sinh viên, mà còn đều là sinh viên của Học viện Hý kịch, có một số người diễn được một nửa thì được người của đoàn làm phim nào đó chọn, có thể lập tức ra nghề đi diễn. Cũng có người do việc học hay vì lý do gì đó mà tự chủ động rút lui. Đủ mọi vấn đề như thế này, cơ bản một năm học có thể thuận lợi làm ra một vở kịch thì cũng là một niềm an ủi lớn lao đối với đội trưởng câu lạc bộ kịch nói rồi.
Mã Nhất Binh đang là đội trưởng câu lạc bộ kịch nói hiện tại, sau khi tiếp quản câu lạc bộ kịch nói thì vừa đúng đến lượt năm học này phải diễn vở kịch truyền thống Đại gia đình. Cậu ta bắt đầu công tác chuẩn bị.
Vở kịch Đại gia đình này là vở kịch truyền trống, sân khấu, đạo cụ, phục trang đều có sẵn, cậu ta chỉ lo tìm diễn viên thôi. Những người được nhắm đến đầu tiên đương nhiên là những người có thực lực trong câu lạc bộ kịch nói. Vai diễn nam thì chẳng có bất kì vấn đề gì, lựa chọn diễn viên vô cùng thuận lợi, còn vai diễn nữ thì lại còn một vai Tiền Điền Linh Nại là không ai chịu nhận. Mã Nhất Binh lúc đó cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, trước kia cậu ta đã từng được nghe kể, những đàn anh đàn chị của mấy khóa trước diễn tập vở "Đại gia đình" trước cũng từng đau đầu vì vai viễn này, chỉ có vai diễn Tiền Điền Linh Nại là phải thường xuyên khom lưng, quỳ gối, lúc diễn tập vô cùng vất vả, rất nhiều người không chịu nhận vai này.